Ký hợp đồng lao động tại hai công ty, đóng BHXH thế nào?
Tôi ký hợp đồng lao động đồng thời tại 2 công ty. Tại công ty cũ, tôi xin nghỉ không lương tháng 1, 2/2019, kết thúc hợp đồng ngày 24/2/2019. Tôi làm việc tại công ty mới từ ngày 2/1/2019. Hiện tại công ty cũ không chốt được sổ BHXH cho tôi đến tháng 2/2019 vì bên công ty mới đã đóng trùng BHXH tháng 1, 2/2019.
Trong 2 tháng đó, công ty cũ không đóng BHXH vì tôi nghỉ không lương. Xin hỏi, trong trường hợp này thì tôi cần thoái thu BHXH ở công ty nào? Thủ tục như thế nào? Người hỏi Nguyễn Trung Hiếu - Quảng Ninh.
Căn cứ quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 2; Khoản 3, Điều 85; Khoản 4 Điều 86 Luật BHXH năm 2014; Điều 43 Luật An toàn, Vệ sinh lao động; Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP, người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc (vào quỹ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất) của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người lao động và người sử dụng lao động không đóng BHXH tháng đó.
Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp của ông Hiếu ký hợp đồng lao động đồng thời tại 2 công ty, công ty cũ nghỉ không hưởng lương từ tháng 1/2019 và công ty mới giao kết hợp đồng lao động từ ngày 2/1/2019 thì công ty cũ báo giảm tham gia BHXH, BHYT, BHTN để công ty mới đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 1/2019 đối với ông Hiếu.
Thủ tục báo tăng hoặc giảm lao động tham gia BHXH bắt buộc là danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Mẫu D02-TS ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam).
Theo Chinhphu.vn