1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kiến nghị Nhật nhập cảnh trở lại đối với thực tập sinh người Việt

An Linh

(Dân trí) - Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) vừa có kiến nghị đến Chính phủ Nhật về việc cho phép thực tập sinh người Việt Nam được nhập cảnh vào nước này sau thời gian dài trì hoãn.

Theo đó, VAMAS đang thu thập chữ ký của hàng trăm hội viên và hàng chục nghìn thực tập sinh về việc được nhập cảnh vào Nhật, gửi đến Chính phủ Nhật Bản.

Đánh giá của VAMAS, trong khi nhiều doanh nghiệp Nhật thiếu hụt lượng lớn lao động, có đơn hàng tại Việt Nam, nhưng không thể nhận được lao động. Trong khi đó, hàng chục nghìn thực tập sinh được nhà tuyển dụng Nhật tuyển chọn vẫn đang mất nhiều thời gian chờ đợi do Chính phủ Nhật vẫn hạn chế nhập cảnh do dịch bệnh.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch VAMAS, Hiệp Hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMi) mới đây cũng gửi đến Chính phủ Nhật Bản yêu cầu thông báo thời gian mở cửa nhập cảnh đi kèm theo các biện pháp phòng dịch triệt để; yêu cầu Chính phủ hỗ trợ chi phí cách ly sau nhập cảnh; yêu cầu mở rộng khung tiếp nhận tạm thời sau khi mở cửa nhập cảnh.

Kiến nghị Nhật nhập cảnh trở lại đối với thực tập sinh người Việt - 1

Hiệp hội VAMAS kiến nghị Chính phủ Nhật cho nhập cảnh thực tập sinh (Ảnh minh họa).

Tới nay, VAMAS đã có hơn 3.000 chữ ký của hội viên, trong những ngày tới VAMAS sẽ tiếp tục cập nhật chữ ký của 200 hội viên và khoảng 60 nghìn thực tập sinh đã phỏng vấn trúng tuyển và đăng ký sang Nhật làm việc để chuyển đến NAGOMi để cơ quan này đệ trình đến Chính phủ Nhật Bản.

Trong năm 2021, VAMAS đã ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác với NAGOMi nhằm thúc đẩy chương trình đưa TTS và lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên, Nhật Bản đẩy mạnh biện pháp phòng, chống dịch khiến số thực tập sinh kĩ năng chờ xuất cảnh vào Nhật mất nhiều thời gian chờ đợi.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2021 là 45.058 lao động (trong đó có 15.177 nữ), chỉ đạt 50% kế hoạch được giao năm 2021 (90.000 lao động) và bằng 57,29% so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2020.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí về hiện trạng lao động Việt học xong, nhưng do đại dịch vẫn phải chờ thời gian dài, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, công việc của họ, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, khẳng định, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch năm 2021, việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài có thể không đạt chỉ tiêu khi đến nay, số người xuất cảnh mới chỉ đạt 44.000 người, tương đương 50% kế hoạch.

Các thị trường chính xuất khẩu lao động của Việt Nam vẫn chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan nhưng Nhật Bản thời gian qua đã tạm dừng tiếp nhận lao động nước ngoài do lo ngại biến chủng mới Omicron. Thị trường Hàn Quốc chỉ mới tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài từ tháng 5/2021.

"Những diễn biến đó khiến số lượng lao động xuất khẩu năm nay bị giảm rất đáng kể" - ông Liêm giải thích.

Ông Nguyễn Gia Liêm chia sẻ: "Chúng tôi rất hiểu, người lao động nóng lòng chờ đợi được bay nên Cục QLLĐNN luôn bám sát các thông tin mở cửa thị trường lao động tại các nước. Khi có thông tin thị trường lao động nào, chúng tôi sẽ trực tiếp, nhanh chóng cung cấp cho doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp cách thức triển khai của các nước tiếp nhận, hoặc kế hoạch khai thác ở các nước có tiềm năng, chuẩn bị mở cửa đầu ra".

Theo ông Liêm, hiện Cục đang theo dõi sát sao việc Nhật Bản vừa mở ra thì đã phải đóng lại do sự xuất hiện biến thể Omicron.