Kiên Giang: Nặng nhọc kiếm nửa triệu đồng/ngày từ nghề chẻ đá

Hơn 30 năm qua, chẻ đá đã trở thành nghề truyền thống ở xứ Hòn thuộc xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Tuy là nghề nặng nhọc, nhưng chẻ đá là nghề tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và các huyện lân cận của tỉnh Kiên Giang.

Mới đây, Hội đồng thẩm định làng nghề, nghề truyền thống tỉnh Kiên Giang vừa thông qua, công nhận chẻ đá xã Thổ Sơn là nghề truyền thống của tỉnh.

Nghề chẻ đá của xã Thổ Sơn được hình thành vào khoảng năm 1966, đến nay đã trên 50 năm. Ông Hồ Văn Đức (SN 1959) và Lâm Văn Xia (SN 1964) ở ấp Bến Đá, xã Thổ Sơn (Hòn Đất) là những người theo nghề lâu nhất hiện nay.

Do nguồn nguyên liệu đá được khai thác từ Hòn Sóc, nên người dân gọi đây là nghề chẻ đá Hòn Sóc.

Kiên Giang: Nặng nhọc kiếm nửa triệu đồng/ngày từ nghề chẻ đá - 1

Thợ chẻ đá dùng máy cắt đá tại ấp Hòn Sóc, xã Thổ Sơn (Hòn Đất). Ảnh: CTV.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chẻ đá là nghề chính của một bộ phận lao động xã Thổ Sơn, nhưng nghề này có nguồn gốc từ xã Thoại Sơn, huyện Tri Tôn và huyện Vọng Thê (tênmột huyện cũ thuộc tỉnh An Giang).

Khi bãi đá của vùng Thất Sơn bị cấm khai thác, những người thợ đá tìm đến Thổ Sơn hành nghề rồi truyền cho dân địa phương.

Theo ông Trần Phan - Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Sơn, nghề chẻ đá tại các bãi đá ở khu vực Hòn Sóc đã giải quyết được khoảng 1.500 lao động, trong đó có 1.000 lao động địa phương.

Tại Hòn Sóc có khoảng 10 doanh nghiệp lớn, nhỏ đang hoạt động trong nghề khai thác đá. Thu nhập bình quân của thợ chẻ đá dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/người/ngày.

Các sản phẩm chủ yếu từ nghề là cột đá, cừ đá, đá miếng vuông, đá lát nền...và được tiêu thụ khắp các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Kiên Giang: Nặng nhọc kiếm nửa triệu đồng/ngày từ nghề chẻ đá - 2

Thợ chẻ đá dùng búa đập nẹp để tách đá tại ấp Hòn Sóc, xã Thổ Sơn (Hòn Đất). Ảnh: CTV.

Từ những khối đá to khai thác trên núi đem xuống, người thợ có nhiệm vụ chẻ ra thành những cây đá nhỏ, dài từ 1-4m. Đầu tiên, người thợ theo kinh nghiệm sẽ xác định mạch đá trước khi dùng dây kẻ vạch, rồi dùng máy cắt thành từng đường rãnh.

Sau đó, người thợ dùng nẹp đóng vào rãnh, mỗi nẹp cách nhau khoảng 15cm, rồi lấy búa đóng để tách dần đá ra theo khổ đã được định hình sẵn. Cuối cùng, tiếp tục dùng búa đẽo những phần đá thừa để cây đá được vuông. Những cây đá được sắp sẵn ngay bãi đá, chỉ chờ ghe tới vận chuyển đi khắp các tỉnh.

Kiên Giang: Nặng nhọc kiếm nửa triệu đồng/ngày từ nghề chẻ đá - 3

Sản phẩm hoàn thiện được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành ĐBSCL. Ảnh: T.T.

Anh Nguyễn Văn Năm (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất) cho biết: “Tôi đã gắn bó với nghề hơn 10 năm nay, thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, nghề chẻ đá cũng lắm vất vả, nặng nhọc. Người thợ phải tiếp xúc với khói bụi, khuân vác, phơi nắng và đôi khi tai nạn lao động…Nghề này đòi hỏi người thợ chịu được cực khổ, kiên trì và cẩn thận”.

Bình quân anh Năm chẻ được khoảng 30 cây đá/ngày. Với tiền công 15.000 đồng/cây, thu nhập bình của anh từ 450.000-500.000 đồng/ngày, khoảng hơn 10 triệu/tháng. Từ nghề chẻ đá, giúp anh và nhiều lao động tại địa phương có công việc ổn định, cho thu nhập cao.

Theo Thiên Thiên - Chúc Ly/Danviet.vn