Kiếm tiền triệu từ nghề đào thuê cây cảnh dịp cận Tết
(Dân trí) - Những ngày này, nhiều người dân ở các xã vùng núi huyện Yên Thành (Nghệ An) tranh thủ lúc rảnh rỗi, đi đào thuê cây cảnh cho các thương lái để mang về xuôi bán dịp Tết.
Từ tờ mờ sáng, có mặt tại vườn đào phai hàng trăm gốc của gia đình ông Nguyễn Đình Dũng (trú ở xóm Ân Tiên, xã Tây Thành, huyện Yên Thành), 3 - 4 lao động đang tất bật đào gốc những cây đào được thương lái đặt cọc, để kịp cho chuyến xe xuôi TP. Vinh để bán.
Dưới tiết trời giá lạnh, chiếc áo ấm đã ướt sũng, dính sát vào lưng nhưng anh Phan Văn Đình (trú ở xã Tây Thành, huyện Yên Thành) cùng nhóm thợ vẫn cố đào cho xong 5 cây đào phai để giao cho chủ vì chiều còn hẹn đi làm chỗ khác.
Dịp này vì không có việc làm, anh Đình phải tranh thủ lập ra một nhóm thợ chuyên đi đào cây để kiếm tiền. Năm nào cũng vậy, vào dịp cận Tết là những người đào gốc cây thuê như anh làm không hết việc. Bởi lẽ, vào mùa này các thương lái bắt đầu đi buôn nên cần rất nhiều thợ để làm.
Dừng tay nghỉ giải lao, anh Đình kể: "Tôi vốn là công nhân. Cuối năm sau khi được nghỉ việc nên tôi tranh thủ để đào cây thuê".
Cách đây khoảng 3 năm, mấy người bạn trong xóm rủ anh đi đào cây thuê để kiếm thêm thu nhập. Ban đầu do chưa rành việc nên anh chỉ phụ đan rọ bầu hoặc đào sơ sơ lớp đất mặt. Sau này anh được mọi người hướng dẫn kỹ thuật đào ở phần rễ dưới.
Theo kinh nghiệm của anh Đình, công việc này không dễ như đào đất, muốn đào sao cũng được. Thợ đào cây phải tỉ mỉ, kiên nhẫn bới từng lớp đất một nếu không bầu đất sẽ vỡ, đứt rễ cám. Khi đã chạm rễ thì tùy theo rễ to hay rễ nhỏ, người đào có thể dùng kéo, cưa hoặc búa chuông để chặt nhưng tuyệt đối không để dập rễ.
Đồng thời, trước khi rọ bầu, thợ đào sẽ lau sạch các "vết thương" trên rễ cây, sau đó thoa đều hỗn hợp keo kích thích "mau liền da" cho cây. Tùy theo từng loại cây, loại đất mà cây sẽ có những tầng rễ khác nhau. Theo đó, thợ đào sẽ quyết định khoanh bầu đất to hay nhỏ, sâu hay cạn…
Rời xã Tây Thành, chúng tôi tiếp tục ghé thăm làng đào phai có tiếng ở xã Kim Thành (huyện Yên Thành). Để chuẩn bị cho thị trường đào tết năm nay, nhiều thương lái đã về đây đặt hàng cách đây hơn 1 tháng. Nhà ít thì 5 - 10 gốc, nhà nhiều lên tới 30 - 40 gốc.
Đang hối hả vận chuyển gốc đào lên chiếc xe tải, anh Nguyễn Văn Cường cho biết, cả công đào và vận chuyển lên xe thương lái trả cho chúng tôi 8000.000 đồng - 1 triệu đồng/ ngày. Làm cả ngày quần quật cũng không hết việc bởi dịp này thương lái cần rất nhiều thợ.
"Để làm công việc này, chúng tôi chỉ sắm các dụng cụ như: Cuốc, xẻng, xà beng và một ít dây buộc… Công việc này đòi hỏi phải có kinh nghiệm không sẽ làm hỏng các cây của thương lái", anh Cường cho biết thêm.
Theo những người đào gốc cây thuê ở huyện Yên Thành, dịp cận Tết, nhu cầu mua cây của các thương lái rất nhiều nên nghề đào gốc cây cũng "sống được".
Tùy theo từng loại cây, kích thước to, nhỏ, từng loại đất thì chủ sẽ trả công khác nhau, có khi từ 50.000- 100.000 đồng/gốc cây. Đối với những cây to, có giá trị, địa thế khó đào thì mức thù lao có thể lên đến 1 triệu đồng.
Riêng trường hợp chủ cây yêu cầu phải đi xa, có khi 2-3 ngày mới về thì toàn bộ chi phí đi lại, ăn, ở sinh hoạt sẽ được chủ bao trọn gói. Một thợ đào cây bình thường mỗi ngày có thu nhập trung bình khoảng 1 triệu đồng.