Kiếm tiền triệu mỗi chuyến đi câu cá ngát không cần mồi

Nghề câu kiều ở Cà Mau rất độc đáo đó là đi câu mà không cần mồi. Thường dân đi câu hay "dính" cá ngát nhất. Bình quân mỗi chuyến câu cá ngát dân cũng kiếm được tiền triệu...

Câu kiều là nghề đã có từ lâu ở tỉnh Cà Mau. Đây là loại hình khai thác thủy sản ven bờ khá phổ biến. Nhờ đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều ngư dân ở xã Tân Hải, huyện Phú Tân đã có thu nhập ổn định với nghề.

Phát triển hình thức đánh bắt bền vững

Theo người dân địa phương, câu kiều là hình thức đánh bắt khá đơn giản, nhưng điểm đặc biệt là lưỡi câu dùng để bắt cá không cần đến mồi mà dựa theo nguyên lý nước chảy dưới biển. Đây cũng là phương thức đánh bắt được nhiều ngư dân ít vốn thực hiện.


Ông Nguyễn Văn Dững cho biết, mỗi giàn câu thế này có chiều dài khoảng 30m. Ảnh: C.L

Ông Nguyễn Văn Dững cho biết, mỗi giàn câu thế này có chiều dài khoảng 30m. Ảnh: C.L

Ông Nguyễn Hải Đăng - Phó Chủ tịch Hội ND xã Tân Hải - cho biết: Với sự hỗ trợ của Hội ND, Tổ hợp tác đánh bắt câu kiều được thành lập vào tháng 8.2016 với 15 thành viên. Thời gian sau, nhận thấy nghề câu kiểu khá phát triển tại địa phương, nhiều hộ muốn mở rộng quy mô nhưng bị thiếu vốn nên không đầu tư ổn định được.

“Chính vì vậy, tháng 2.2017, được sự đồng tình, nhất trí của Hội ND cấp trên, Hội ND xã đã triển khai dự án sử dụng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để giải ngân cho 15 hộ đánh bắt câu kiều vay, với tổng số tiền là 150 triệu đồng trong thời gian 12 tháng. Hiện dự án này mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được gia hạn thêm một năm nữa để tạo điều kiện cho các hộ phát triển mô hình này” - ông Đăng thông tin.

Cũng theo ông Đăng, các phương tiện đánh bắt thuỷ sản khác khai thác gần bờ trước nay thường mang tính chất huỷ diệt, không đảm bảo việc phát triển thủy sản bền vững. Riêng câu kiều chỉ bắt được các loại cá lớn nên bảo vệ được nguồn lợi thuỷ sản.

Tăng thu nhập cho ngư dân

Theo các thành viên Tổ hợp tác đánh bắt câu kiều, số vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được bà con vay tuy không lớn, nhưng là đồng tiền kịp thời giúp các hộ mua sắm mới, cải tạo, sửa chữa, đóng mới phương tiện, thiết bị dụng cụ đánh bắt.

Câu kiều sử dụng 1 dây dài, cách khoảng 20cm mắc 1 lưỡi câu, đoạn dây buộc lưỡi cũng có độ dài khoảng 20-30cm, cách khoảng 2m gắn 1 cái phao nhỏ, sao cho khi thả xuống biển giàn câu sẽ nổi cách đáy biển tầm 20-30cm. Cách khoảng 100m thì có 1 cột cờ đánh dấu đường câu đi qua và báo hiệu cho các phương tiện khác biết để mà tránh.

Ông Nguyễn Văn Dững - thành viên Tổ hợp tác đánh bắt câu kiều cho biết: “Đánh bắt câu kiều là hình thức thả câu không cần mồi, chủ yếu dính các loại cá da trơn, trong đó cá ngát là nhiều nhất. Mỗi chuyến đi thường đi 2 người, sau khi trừ chi phí tôi có thể thu về khoảng 700-800 nghìn đồng. Đây là nghề chính của gia đình nên nhờ có vốn hỗ trợ của Hội ND nên tôi có điều kiện bám biển”.

Còn ông Dương Thanh Quang - thành viên Tổ hợp tác đánh bắt câu kiều chia sẻ: “Gia đình tôi cũng theo nghề này gần chục năm nay. Do đánh bắt gần bờ nên có thể đi được nhiều tháng trong năm, chỉ nghỉ khoảng 4 tháng biển động. Nếu lúc nào trúng có thể thu về 2 - 3 triệu đồng/chuyến. Các loại cá đánh bắt bằng nghề câu kiều thương lái rất thích mua, giá cả ổn định”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Duy Thanh - Chi hội trưởng Chi hội ND ấp Cái Cám, xã Tân Hải - cho hay: Câu kiều là nghề truyền thống ở địa phương, tạo thu nhập ổn định cho khá nhiều ngư dân. Hiện nay, nhờ đồng vốn Quỹ Hỗ trợ ND của Hội ND mà nhiều hộ có điều kiện ra khơi vững vàng hơn. Ngoài ra, để tương trợ lẫn nhau, mỗi thành viên sẽ hùn vốn 100.000 đồng/tháng, hiện đã được 33 triệu đồng, được cho vay xoay vòng. Được Hội ND hỗ trợ vốn và hướng dẫn sản xuất, nhiều ngư dân rất phấn khởi.

Theo Danviet.vn