Khu giải trí - Cách nghĩ khác về môi trường công sở

(Dân trí) - Những ông chủ khôn ngoan của các tập đoàn lớn ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cân bằng giữa không gian làm việc của doanh nghiệp với khu vực giải trí và sinh hoạt chung của nhân viên, vì đó là một trong những động lực giúp tăng năng suất lao động.

Cuộc khảo sát trực tuyến do công ty thiết kế Gensler của Mỹ thực hiện vào năm 2006 đã phát hiện ra rằng trong số hơn 2.000 người lao động ở Mỹ thì có tới 2/3 tin rằng họ làm việc hiệu quả hơn khi có mối quan hệ gần gũi với đồng nghiệp.

 

Tuy nhiên, 30% cho biết không gian làm việc của họ không khích lệ sự giao lưu, hợp tác một cách tự nhiên giữa các nhân viên. Điều này khiến nhiều công ty lớn buộc phải thay đổi suy nghĩ về môi trường công sở.

 

Các doanh nghiệp đã thuê thiết kế phòng giải trí và sinh hoạt chung cho nhân viên theo cách riêng của mình, dựa trên đặc thù về cơ cấu nhân viên và tính chất công việc, nhưng mục đích chung vẫn là khuyến khích việc giao lưu giữa các nhân viên, từ đó kích thích óc sáng tạo và tinh thần làm việc chung trong doanh nghiệp.

 

Nhận thấy rằng các nhân viên thường phải đi ra ban công hoặc lên tầng thượng để hút thuốc nên một số công ty đã cho thiết kế những căn phòng nhỏ rải rác trong khu vực làm việc để nhân viên có thể tranh thủ ghé vào hút thuốc, uống một tách cà phê, hoặc ngồi nghỉ ngơi một chút ở những chiếc bàn nhỏ.

 

Ở một số nơi khác có đặc thù là nhiều nhóm làm việc gồm khoảng 5 người trở xuống, trong khi công ty lại chỉ có duy nhất một phòng họp lớn. Vậy là không có chỗ cho những nhóm làm việc nhỏ thảo luận công việc.

 

Từ khi biết được điều này, công ty đã bố trí diện tích cho nhiều phòng họp nhỏ và nhiều hốc nhỏ dọc hành lang - một không gian lý tưởng cho những thảo luận ngắn. Kết quả là giờ đây, các nhóm thường xuyên thảo luận công việc tại các phòng họp nhỏ, đến mức phải đặt phòng trước vài tuần. Còn những hốc nhỏ thụt vào ở lối đi được nhiều nhân viên dùng làm nơi thảo luận hoặc cập nhật thông tin một cách kín đáo, không gây ảnh hưởng đến người khác.

 

Về khu vực giải trí và sinh hoạt chung cho nhân viên, ý kiến chung là không nên ở vị trí quá gần nơi làm việc, dù như vậy thì tiện hơn. Đôi khi cũng cần tạo cho nhân viên cảm giác thoải mái thật sự, đồng nghĩa với việc xa hẳn khu vực văn phòng, để họ có thể dứt khỏi những suy nghĩ về công việc. Nếu được nghỉ ngơi hoàn toàn, nhân viên sẽ thấy sảng khoái hơn, đầu óc minh mẫn hơn, giảm căng thắng; và rút cuộc, bên có lợi chính là chủ doanh nghiệp.

 

Dưới đây là 10 khu giải trí nơi công sở được tạp chí Business Week đánh giá là lý tưởng nhất ở Mỹ:

 

Principal Financial Group (PFG)
Tổng số nhân viên: khoảng 8.000 người

 

Khu giải trí - Cách nghĩ khác về môi trường công sở - 1
 

 

Sau khi nhận được nhiều ý kiến phàn nàn của nhân viên về môi trường làm việc quá căng thẳng và bức bối, ban lãnh đạo PFG đã quyết định thuê thiết kế một khu giải trí, với trọng tâm là vui chơi thư giãn. Kết quả là sự ra đời của Câu lạc bộ High Street, nằm cách khu văn phòng chỉ một quãng đi bộ ngắn. Ở đây có các khu chơi thể thao, chơi điện tử, đọc sách…

 

Tập đoàn truyền thông Hearst
Tổng số nhân viên: khoảng 2.000 người

 

Khu giải trí - Cách nghĩ khác về môi trường công sở - 2
 

 

Quán cà phê 57, đặt theo tên phố, của “đế chế” truyền thông này được thiết kế để tạo sự đoàn kết giữa các nhân viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ các phóng viên, nhà báo tuổi đôi mươi cho đến các nhà sản xuất truyền hình ở lứa tuối trung niên. Với nhiều nhân viên nữ, một trong những hoạt động có khả năng gắn kết nhất chính là các hoạt động liên quan đến việc bếp núc, như làm sushi, pizza hay pha chế rượu. Ngoài ra, tại đây còn có các lớp boxing, yoga và nhảy salsa sau giờ làm việc.

 

Tập đoàn truyền thông Discovery
Tổng số nhân viên: khoảng 1.500 người

 

Khu giải trí - Cách nghĩ khác về môi trường công sở - 3
 

 

Mục tiêu của Discovery khi thuê thiết kế không gian giải trí cho nhân viên là đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa nhân viên nam và nữ, bằng cách tạo một môi trường bình đẳng giới. Với quan điểm đó, khu giải trí của họ là một không gian ấm cúng như ở nhà, với sàn và tường gỗ, có bếp và khu ăn sáng…

 

Discovery hiện sở hữu hàng loạt chương trình truyền hình cáp và vệ tinh nổi tiếng, như Discovery Channel và Animal Planet.

 

Hãng truyền thông RealNetworks
Tổng số nhân viên: khoảng 850 người

 

Khu giải trí - Cách nghĩ khác về môi trường công sở - 4
 

 

Hai năm trước, RealNetworks đã lập hẳn một khu giải trí lớn dành cho nhân viên, với đầy đủ quán ăn, bếp, và khu chơi thể thao, nhưng điểm tập trung đông nhân viên nhất vẫn là khu chơi bowling 3 làn, đã có từ năm 1998. Các nhân viên có thể đến đây chơi bowling từ 5 rưỡi chiều đến 5 rưỡi sáng hôm sau vào tất cả các ngày làm việc, riêng cuối tuần họ có thể chơi cả ngày.

 

Công ty tư vấn Bain & Company
Tổng số nhân viên: khoảng 500 người

 

Khu giải trí - Cách nghĩ khác về môi trường công sở - 5
 

 

Trước khi xây trụ sở mới, ban lãnh đạo công ty đã tiến hành thăm dò ý kiến nhân viên về những gì họ thích và không thích ở nơi làm việc cũ. Kết quả là gần như tất cả đều chung một lời phàn nàn: Cách bố trí văn phòng không khuyến khích sự giao lưu giữa các nhân viên.

 

Do đó, tại toà nhà mới, Bain & Company đã bố trí nhiều không gian nhỏ trong khu làm việc để các nhân viên có thể gặp gỡ chuyện trò hoặc tranh thủ giải trí một chút với vài trò chơi.

 

Hãng Zune, thuộc Microsoft
Tổng số nhân viên: khoảng 400 người

 

Văn phòng mới của Zune - đối thủ của iPod - được xây dựng từ năm ngoái, cách trụ sở của công ty mẹ Microsoft không xa. Thay vì thuê một công ty thiết kế, tập đoàn phần mềm này giao trọng trách cho nhóm sáng tạo của Zune.

 

Khu giải trí - Cách nghĩ khác về môi trường công sở - 6
 

 

Lấy cảm hứng từ máy nghe nhạc Zune, họ đã thiết kế những không gian có thể khiến các nhân viên xích lại gần nhau để cùng thưởng thức âm nhạc. Có một phòng DJ ở trong nhà ăn, nơi để các nhân viên thể hiện tài năng kèm luôn mục đích giải trí, với những cuộc thi DJ giỏi được tổ chức hàng tuần.

 

Công ty quảng cáo Wieden + Kennedy
Tổng số nhân viên: khoảng 350 người

 

Wieden + Kennedy là công ty quảng cáo đứng sau các chiến dịch xây dựng thương hiệu tốn kém của Nike và Coke.  Năm nay, công ty này đã thuê hãng thiết kế nội thất Intelligent Design tạo một không gian thư giãn cho nhân viên ngay bên trong công ty.

 

Khu giải trí - Cách nghĩ khác về môi trường công sở - 7
 

 

 Kết quả là một phòng giải trí với tường và trần nhà được thiết kế để tạo cảm giác như một tổ chim lớn. Nhân viên của Wieden + Kennedy có thể đến đây để đọc sách báo hoặc tổ chức các buổi thảo luận nhỏ.

 

Công ty phần mềm Vocus
Tổng số nhân viên: khoảng 200 người

 
Với số lượng nhân viên tăng lên nhanh chóng, ban lãnh đạo Vocus, công ty cung cấp phần mềm quản lý PR đã phải quyết định bố trí một sân chơi bóng rổ cho nhân viên bằng cách thu nhỏ các phòng làm việc để lấy diện tích.

 

Khu giải trí - Cách nghĩ khác về môi trường công sở - 8
 

 

Quyết định này đã được các nhân viên nhiệt liệt hưởng ứng. Những người không thích chơi bóng rổ, môn thể thao được yêu thích ở Mỹ, có thể đến phòng tập thể dục hoặc ngồi ngắm bể cá, xem TV.

 

ASAE
Tổng số nhân viên: khoảng 120 người

 

Khu giải trí - Cách nghĩ khác về môi trường công sở - 9
 

 

Do tính chất công việc cần có sự trao đổi thường xuyên giữa các nhân viên trong các nhóm làm việc hoặc giữa các nhóm với nhau, ASAE quyết định thiết kế không gian làm việc theo hướng giảm các phòng làm việc riêng và tăng không gian mở để các nhân viên thoải mái trao đổi công việc. Dọc lối đi là những ngăn nhỏ để đọc sách, họp nhóm, thảo luận. Các phòng nhỏ nơi góc phòng làm việc bố trí bàn ghế ngồi uống cà phê.

 

Công ty PopCap Games
Tổng số nhân viên: khoảng 100 người

Nhân viên của PopCap là tác giả của nhiều game trực tuyến nổi tiếng như Bejeweled. Tuy nhiên, ngay cả những người với đặc thù công việc gắn liền với trò giải trí cũng cần có những khoảng thời gian tách xa công việc để tán gẫu với đồng nghiệp, mặt đối mặt, chứ không phải qua máy tính.

 

Khu giải trí - Cách nghĩ khác về môi trường công sở - 10
 

 

Hiểu được điều đó, ban lãnh đạo công ty đã cho bố trí hẳn một phòng video-game để nhân viên có cơ hội “tỉ thí”.

 

Đặng Lê

Theo Business Week