Không tạo kẽ hở để doanh nghiệp “ép” lương người lao động

Ngày 10/4, tại Ninh Bình, Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của một số nghị định liên quan đến thực hiện chính sách lao động tiền lương.

Vấn đề đề xuất sửa đổi, thay thế một số điều trong Nghị định số 49/2013/NĐ-CP liên quan thang bảng lương gây nhiều tranh luận. Đa số ý kiến cho rằng, nghị định trên đang thực thi ổn định, không nên đặt vấn đề sửa đổi trong thời điểm hiện nay và sửa nghị định không được tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ép lương người lao động.

Nhiều đề xuất bất ngờ

Theo dự thảo tờ trình của Bộ LĐTBXH về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49 (NĐ49) ngày 14.5.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động, việc cần thiết phải ban hành nghị định sửa đổi bởi “việc quy định các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương, trong điều kiện lao động bình thường đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang bảng lương của DN và không phù hợp với cơ chế thị trường”.

Dự thảo tờ trình cũng nêu vấn đề: Nhiều DN xây dựng thang bảng lương theo thâm niên (để đảm bảo khoảng cách ít nhất 5%) dẫn đến không khuyến khích trả lương theo công việc mà trả theo thâm niên dẫn đến DN phải trả cho NLĐ làm 15-20 năm cao gấp 2-3 lần người mới làm việc.

Theo bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐTBXH), Bộ đề xuất một số phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ49. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 7, Chương III theo hướng bỏ quy định khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% và để “số bậc của thang, bảng lương do DN quyết định”.

Hoặc phương án 2 là giảm từ 5% xuống 3%, tiến tới bỏ hẳn. Bộ LĐTBXH cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 3, Điều 7, Chương III theo hướng bỏ quy định nguyên tắc xác định mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng và để việc này cho DN quyết định hoặc giảm từ 7% xuống 5%.

Đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 7, Chương III theo hướng, bỏ quy định mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm là 5% và 7%, để tuỳ DN quyết định hoặc vẫn để định lượng nhưng giảm tương ứng xuống 5% và 3%.

Những đề xuất trên có vẻ có lợi cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thuỷ sản Việt Nam - bày tỏ đồng ý với phương án thứ nhất ở tất cả các điểm sửa đổi NĐ49.

Đề nghị chưa sửa đổi theo đề xuất

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều không đồng tình với quan điểm sửa đổi, thay thế như trên. Ông Hồ Đại Thắng (Phòng Bảo hiểm - tiền lương và quan hệ lao động (QHLĐ), Sở LĐTBXH Thanh Hoá) cho rằng, thực tế đã chứng minh những quy định của NĐ49 đã và đang phát huy tốt, đảm bảo xây dựng QHLĐ hài hoà.

“Theo tôi, tại sao lại phải đặt vấn đề thay đổi các quy định mang tính định lượng đã có trong NĐ49? Tôi cho rằng, việc đặt ra các quy định như đã có ở NĐ49 là điều hợp lý, đó chỉ là mức sàn nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và là cơ sở để DN thực hiện tính thang bảng lương phù hợp. Nếu DN ăn nên làm ra, tăng cao hơn mức đó thì có vấn đề gì đâu, tại sao lại đặt ra vấn đề bỏ các quy định cứng đó đi?”.

Tương tự, ông Phạm Văn Duẩn - Phó Trưởng phòng Lao động - tiền lương - BHXH, Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương - cũng cho rằng, các quy định trong NĐ49 chỉ là quy định sàn để người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được trả thấp hơn nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trong bối cảnh hiện nay, bây giờ bỏ đi, NLĐ chắc chắn sẽ thiệt hơn.

“Nên giữ nguyên như NĐ49, nếu thực hiện sẽ gây xáo trộn rất lớn, sẽ gây mâu thuẫn đối kháng bất lợi cho môi trường lao động và cho chính DN” - ông Duẩn nói.

Tham luận của Tổng LĐLĐVN tại hội thảo cũng chỉ rõ, thực trạng tiền lương, thu nhập của NLĐ hiện nay thấp. Tiền lương cơ bản trung bình năm 2017 là 4,48 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập trung bình khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập tăng thêm của NLĐ ngoài lương cơ bản chủ yếu phụ thuộc tăng ca.

Từ thực tế trên, trước đề xuất sửa đổi NĐ49, ngày 21.3, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các cấp CĐ vào dự thảo và từ thực tiễn hoạt động, Tổng LĐLĐVN đề nghị chưa sửa đổi về nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương được quy định tại Điều 7, NĐ49. Việc sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương nên tiến hành và thể hiện trong Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Ông Ngọ Duy Hiểu - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: XUÂN HÙNG
Ông Ngọ Duy Hiểu - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: XUÂN HÙNG

Không thể sửa nghị định để tạo cơ hội cho DN ép lương NLĐ

Đánh giá cao vai trò của DN đối với đời sống NLĐ trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên ông Ngọ Duy Hiểu - Trưởng ban QHLĐ, Tổng LĐLĐVN - cho rằng để đảm bảo ổn định để phát triển, thu hút đầu tư; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; thể chế hoá Hiến pháp 2013 về bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền của NLĐ, việc đặt vấn đề sửa đổi NĐ 49 theo hướng Bộ LĐTBXH đề xuất là chưa phù hợp. Điều đó còn chưa phù hợp trong bối cảnh thị trường lao động đang hoàn thiện, sức ép việc làm lớn, QHLĐ mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu (cung nhiều hơn cầu).

Thu nhập của NLĐ còn thấp, lương tối thiểu chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Do đó, rất cần bàn tay can thiệp của Nhà nước, Nhà nước phải tham gia can thiệp, điều chỉnh quan hệ này để đảm bảo sự hài hoà, tiến bộ. Vì vậy, trong thời điểm này, đặt ra vấn đề sửa đổi NĐ 49 là chưa hợp lý.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trên hết, về nguyên tắc xây dựng thang bảng lương theo NĐ49 đã hạn chế tình trạng ép lương của NLĐ cũng như tăng cường độ lao động đối với NLĐ. Những nội dung này đã góp phần tạo sự hài hoà trong QHLĐ, bản thân các quy định này còn sống được, thực tế đang đảm bảo niềm tin của NLĐ và đại đa số NSDLĐ.

Hơn nữa, năng lực thương lượng của NLĐ và của CĐCS còn nhiều hạn chế do cơ chế, điều kiện, sự bất bình đẳng trong quan hệ lao động. Tình trạng vi phạm pháp luật về tiền lương của NSDLĐ còn nhiều.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, kinh tế đất nước trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 khởi sắc, tăng trưởng GDP tăng 7,4% trong quý I/2018 (cao nhất trong 10 năm trở lại đây), đó là những chỉ báo, dự báo những tín hiệu tốt với DN Việt Nam, tạo điều kiện để NSDLĐ chia sẻ thu nhập, đời sống với NLĐ.

“Không được hiểu tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách cắt bỏ quyền lợi của NLĐ, mà ngược lại, phải quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của NLĐ để họ cống hiến sức lực, trí tuệ và dành tình cảm cùng tháo gỡ khó khăn với DN và đồng hành cùng DN”.

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng khẳng định: “Không có tiến bộ nào lại có thể ra đời trên sự bất ổn, sự tiến bộ chỉ ra đời khi QHLĐ hài hoà, ổn định. Đây là vấn đề lớn, nhạy cảm cần hết sức cẩn trọng. Chỉ có thể sửa đổi cách thức để đảm bảo linh hoạt cho chủ sử dụng lao động, tuyệt đối không cắt bỏ hay cắt giảm theo 2 phương án như dự thảo vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. Sửa nghị định không được tạo cơ hội cho các DN ép lương NLĐ”.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu: “Trong bối cảnh chúng ta đang sửa Bộ luật Lao động và nghiên cứu sửa, dự kiến thông qua đề án cải cách tiền lương, chúng tôi đề xuất tiếp tục nghiên cứu tìm ra giải pháp phù hợp. Nguyện vọng chung của người lao động là thang bảng lương vẫn được giữ nguyên, chỉ thay đổi để có thể tạo điều kiện chủ động cho NSDLĐ”.

Theo Xuân Hùng/Báo Lao Động