"Không nên can thiệp hành chính vào thị trường lao động"

Trước thềm buổi làm việc tiếp theo của Hội đồng Tiền lương quốc gia bàn thảo về các phương án đề xuất mức lương tối thiểu năm 2018, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đã đến lúc không nên đặt vấn đề về tăng lương tối thiểu nữa.

Hội đồng Tiền lương quốc gia đang bàn về tăng mức lương tối thiểu cho năm tới. Là chuyên gia kinh tế chuyên về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp , theo ông, tăng bao nhiêu là hợp lý?

Tôi đề nghị không tăng lương tối thiểu trong năm tới. Tại sao năm nào cũng bàn tới tăng lương tối thiểu? Năm ngoái, lương tối thiểu đã tăng 7,3%. Năm trước đó tăng 12,4%. 10 năm qua, lương tối thiểu tăng liên tục, từ 7 đến 12% mỗi năm, trong khi GDP chỉ tăng khoảng 6%/năm, năng suất lao động chỉ tăng khoảng 4%/năm.

Trong khi đó, theo thông lệ, tiền lương tăng ngang bằng hoặc thấp hơn mức tăng năng suất lao động, không bao giờ cao hơn như của ta thời gian qua.

Ông Nguyễn Đình Cung
Ông Nguyễn Đình Cung

Hơn thế, mức lương bao nhiêu, tăng thế nào là quyết định của thị trường, của doanh nghiệp và người lao động, chứ không thể mãi can thiệp hành chính vào thị trường lao động như vậy.

Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh cải cách chế độ tiền lương, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng năng suất lao động và tăng tiền lương, lấy tăng năng suất lao động làm cơ sở để tăng tiền lương; hình thành cơ chế tiền lương theo nguyên tắc thị trường; bảo đảm hài hoà lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.

Việc cần làm ngay là gì, theo ông?

Thứ nhất, Chính phủ đã xác định năm nay là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, mục tiêu là vực dậy doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động.

Chúng ta cần các giải pháp để thực hiện mục tiêu này, từ đó tác động tới tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế những năm tới đây. Các đề xuất ngược lại với tinh thần này cần được bãi bỏ. Chính phủ đang áp dụng các chính sách thắt chặt ngân sách, giảm chi tiêu thường xuyên… thì không thể tăng lương tối thiểu, nhất là với các mức rất cao, tới 13% như đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thứ hai, cần thành lập một hội đồng quốc gia về cải cách và phát triển thị trường lao động, để thị trường tự quyết định về tiền lương, thay vì việc Hội đồng Tiền lương quốc gia cứ mỗi năm lại phải bàn về việc này như hiện nay.

Nếu đứng ở góc độ người lao động thì sao?

Chúng ta cần nhìn rộng hơn, phải cải cách về thị trường lao động, khi đó thì cả người lao động và doanh nghiệp đều thực sự được hưởng đúng năng lực của mình.

Tôi không đồng tình với việc lấy tiêu chuẩn sinh hoạt tối thiểu cần thiết của người lao động và gia đình họ để ép doanh nghiệp phải chi trả. Người lao động phải xác định rõ năng lực, trình độ, kỹ thuật là yếu tố giúp họ có được mức lương cao, có thể đủ sống, có tích lũy…, chứ không phải là trông vào việc tăng mức lương tối thiểu hàng năm để có mức sống tối thiểu.

Ngay cả khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng, không có nghĩa là người lao động được tăng lương thực sự. Nếu doanh nghiệp khó khăn, có thể họ sẽ phải giảm thu nhập của đa số người lao động từ phần lương “mềm” để bù vào các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn tăng thêm. Các doanh nghiệp yếu, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể không đủ sức chịu thêm các chi phí này, có thể chọn cách dừng lại và nhiều người lao động sẽ không có việc làm.

Đây là lúc mọi người phải làm việc, thậm chí một người làm việc bằng hai, bằng ba để tăng năng suất lao động. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng phải vận động 10 triệu công đoàn viên của mình theo hướng này, chứ không thể cứ mãi chạy theo tiêu chuẩn sinh hoạt tối thiểu. Khái niệm tiêu chuẩn sinh hoạt tối thiểu cũng phải được làm rõ về cơ sở, cách thức tính toán.

Tình hình doanh nghiệp hiện nay ra sao, thưa ông?

Năm nay, doanh nghiệp Việt Nam rất yếu về thể trạng. Theo số liệu khảo sát của PCI 2016, số doanh nghiệp kinh doanh báo lãi trong 5 năm trở lại đây chỉ quanh 60%, trong khi trước đó là 70 - 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ lên tới 23%. Quy mô lao động trung bình hiện khoảng 26,6 người, thấp hơn khá nhiều năm 2006 là 31,6 người.

Nhu cầu mở rộng kinh doanh cũng đang ở mức khá thấp so với những năm trước, khoảng 48% so với khoảng 78% vào năm 2006.

Trong khi đó, doanh nghiệp đang phải nộp các loại phí, thuế chiếm gần 42% lợi nhuận trước thuế. Mức này thuộc diện cao nhất thế giới, đứng thứ hai ASEAN. Chi phí vốn cũng thuộc diện cao nhất thế giới. Chưa kể chi phí không chính thức đang làm khó các doanh nghiệp. PCI 2016 cho thấy, có tới 66% doanh nghiệp đã phải chi trả các khoản phí này.

Riêng các khoản doanh nghiệp phải đóng cho các quyền lợi của người lao động căn cứ trên lương tối thiểu hiện nay khoảng 24%. Như vậy, cứ mỗi đồng lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp lại phải tăng chi phí nhân công. Nếu tiếp tục tăng mức lương tối thiểu, dù với tỷ lệ nào, thì doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm một khoản chi phí lớn nữa.

Không doanh nghiệp nào muốn lớn trong bối cảnh này, kể cả khu vực phi chính thức là các hộ kinh doanh hay các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng phải nhắc tới số doanh nghiệp giải thể hàng tháng còn cao so với doanh nghiệp thành lập. Về tỷ lệ này, đúng là so với các nước thì không cao, nhưng so với nhu cầu của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nơi cơ hội kinh doanh nảy nở, chứ chưa vào độ chín như các nền kinh tế phát triển, thì chúng ta cần nhiều doanh nghiệp hơn nữa.

Quan điểm của tôi là phải giảm chi phí để doanh nghiệp tồn tại, phát triển và từ đó tạo ra nhiều việc làm và người lao động thực sự được hưởng mức lương tương ứng với đóng góp của họ cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, không có doanh nghiệp nào muốn mất lao động, nhất là lao động có tay nghề, nhưng cũng không thể mãi làm khó các doanh nghiệp khi phải tăng chi phí tiền lương khi không đủ sức hoặc cho những lao động có năng suất thấp.

Theo Khánh An/Báo Đầu tư