Không màng thưởng Tết, nữ nhân viên nhảy việc dịp cuối năm vì 3 điều

Hoa Lê

(Dân trí) - Đầu tháng 12, chị Tuyết vừa quyết định nghỉ việc, từ bỏ cả mức thưởng Tết nhiều người mong chờ để tìm cơ hội nghề nghiệp mới.

Không tiếc tiền thưởng Tết

Để đưa ra quyết định nghỉ việc vào dịp cuối năm, chị Trần Thị Ngọc Tuyết, nhân viên kinh doanh phần mềm ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) ở TPHCM, đã nung nấu kế hoạch chuyển việc từ nhiều tháng trước.

Ban đầu, chị cũng phân vân giữa việc nghỉ trước hay sau Tết. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc 3 lý do, chị đã đưa ra quyết định táo bạo nghỉ việc trước Tết.

Thứ nhất, nữ nhân viên kinh doanh nhận thấy, dịp cuối năm, nhiều công ty tái cơ cấu nên sẽ đào thải nhân sự không đạt KPI (hiệu quả công việc) và có kế hoạch tuyển dụng mới.

Không màng thưởng Tết, nữ nhân viên nhảy việc dịp cuối năm vì 3 điều - 1

Chị Tuyết chia sẻ lý do nghỉ việc trước Tết (Ảnh: NVCC).

Vì vậy, chị Tuyết cho rằng nộp CV (hồ sơ xin việc) lúc này sẽ có nhiều cơ hội tốt.

Thứ hai, nữ nhân viên 9x phán đoán, tâm lý của nhiều người lao động tiếc thưởng tháng lương 13, thưởng KPI, thưởng Tết.

Vì vậy, họ sẽ lưỡng lự không dám nghỉ việc vì sợ mất một khoản tiền cũng như không tìm được việc ưng ý.

"Do đó, tỷ lệ cạnh tranh CV sẽ rất thấp, có thể chỉ 1 chọi 20 ứng viên thay vì tỷ lệ 1 chọi 100 như xin việc khi ra Tết", chị Tuyết chia sẻ.

Thứ ba, chị Tuyết cho biết, dịp cuối năm, nhiều công ty tổ chức tiệc kết thúc năm. Theo chị, đây là cơ hội giao lưu, làm quen với mọi người, với môi trường trước khi bắt đầu công việc.

3 lý do trên Tuyết xác định là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để quyết đoán nghỉ việc. Theo đó, chị lên kế hoạch tìm việc làm mới. Sau khi đã trúng tuyển ở công việc này, chị mới quyết định chính thức nghỉ việc.

Tại môi trường làm việc mới, chị vẫn tiếp tục ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp phần mềm. Tuy nhiên, sản phẩm của doanh nghiệp mới có phân khúc nhỏ nên giúp chị dễ tiếp cận thị trường.

Công việc mới có mức lương cứng thấp hơn, song tỷ lệ hoa hồng cao hơn. Vì vậy, với kinh nghiệm bán hàng của mình, chị Tuyết tin mình sẽ đạt được thu nhập mong muốn.

Công việc quá sức nên muốn nghỉ việc

Không gồng gánh được công việc của một phòng marketing, một nữ nhân viên 23 tuổi cũng quyết định nghỉ việc, bất chấp có khoản thưởng Tết dịp cuối năm.

Cụ thể, 6 tháng làm việc tại một doanh nghiệp vận tải ở TPHCM, chị L.H. nhận ra mình không phù hợp với vị trí này. Một mình chị là nhân viên marketing, lo toàn bộ khối lượng công việc tương đương một phòng của những đơn vị khác.

Một mình chị phải xây dựng nội dung, thiết kế, hỗ trợ sự kiện... cho công ty. Vừa ra trường 1 năm, kinh nghiệm còn chưa nhiều nên chị H. cảm thấy quá sức.

Không màng thưởng Tết, nữ nhân viên nhảy việc dịp cuối năm vì 3 điều - 2

Người lao động tìm kiếm việc làm mới sau Tết (Ảnh minh họa: Thanh Bình).

Trong khi đó, kỳ vọng của doanh nghiệp với nhân viên marketing như chị rất lớn. Khối lượng công việc ngập đầu nhưng chị chỉ nhận về mức lương chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Đó là lý do chị quyết định chuyển việc.

Dù sát Tết, nhưng áp lực công việc quá lớn khiến chị H. luôn cảm thấy căng thẳng. Sau khi trao đổi về nguyện vọng của mình, chị cũng được doanh nghiệp tạo điều kiện, hỗ trợ chuyển việc sau Tết để đảm bảo một số quyền lợi của nhân viên đã cống hiến trong năm.

Lý giải về ý kiến cho rằng gen Z chịu áp lực công việc kém, chị H. cho rằng thế hệ nào thì nhân sự trẻ, mới ra trường cũng có thể gặp phải những rào cản như nhau. Nhân sự trẻ ở thế hệ nào cũng cần thời gian học hỏi, thích nghi và trưởng thành.

Báo cáo về lương, thị trường lao động năm 2024 của đơn vị tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp Navigos Group cho thấy, 83.4% người lao động được khảo sát cho biết khi tìm kiếm một công việc mới sẽ ưu tiên trước hết là lương.

Và 70% trong số được khảo sát cho rằng đây là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất tới quyết định từ bỏ công việc hiện tại nếu họ không được thỏa mãn bởi công ty. Theo sau đó là yếu tố khác như văn hóa doanh nghiệp, cơ hội thăng tiến trong công việc hay cơ chế thưởng.