Không đóng đủ BHTN tháng liền kề có được trợ cấp?
Ông Lê Quốc Bảo có thời gian từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2013 làm việc tại công ty A, đóng bảo hiểm xã hội được 8 năm 6 tháng, đóng bảo hiểm thất nghiệp được 5 năm, chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 24/1/2014.
Từ ngày 1/3/2014 đến ngày 8/5/2014, ông Bảo làm việc tại Công ty B, có quyết định thử việc 2 tháng, không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), có quyết định chấm dứt việc làm ngày 8/5/2014.
Ngày 15/7/2014 ông Bảo đến Trung tâm giới thiệu việc làm để kê khai không có việc làm nhưng được Trung tâm trả lời, theo Điều 2 Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người đang đóng BHTN là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN.
Do Công ty A nợ BHXH nên ngày 18/6/2014 ông Bảo mới chốt sổ BHXH. Vậy, trong trường hợp này ông Bảo có được hưởng BHTN không, nếu được thì cần phải làm thủ tục gì?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2012 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thì người thất nghiệp được hưởng BHTN khi có đủ các điều kiện sau:
- Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định của pháp luật.
- Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định, ngày thứ nhất trong 15 ngày nêu trên là ngày ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp, tính theo ngày làm việc.
Theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung thì người đang đóng BHTN là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN, tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau: Người lao động có các tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH; người lao động có các tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị.
Theo quy định tại Điều 34 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thì trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc để đăng ký thất nghiệp.
Trường hợp người lao động có nhu cầu đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm không phải là nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì khi đăng ký thất nghiệp phải có xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Theo quy định tại Điều 37 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thì hồ sơ hưởng BHTN bao gồm:
- Đơn đề nghị hưởng BHTN;
- Bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định thôi việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, người lao động phải xuất trình Sổ BHXH có xác nhận của cơ quan BHXH về việc đóng BHTN hoặc bản xác nhận của cơ quan BHXH về việc đóng BHTN.
Như vậy, trường hợp ông Bảo giao kết hợp đồng lao động (kể cả thời gian thử việc có hưởng lương) từ đủ 3 tháng trở lên với công ty B thì khi chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty B, ông Bảo không có tháng liền kề trước khi mất việc làm đóng BHTN nên không đủ điều kiện hưởng BHTN.
Trường hợp ông Bảo giao kết hợp đồng lao động (kể cả thời gian thử việc có hưởng lương) dưới 3 tháng với công ty B thì khi chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty B, thời điểm ngày 15/7/2014 đã quá thời hạn 3 tháng đăng ký thất nghiệp, do đó, ông Bảo cũng không đủ điều kiện hưởng BHTN.
Theo Chinhphu.vn