Khởi tố pháp nhân, người lao động thiệt?

Tại hội thảo về BLHS (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp, Bộ Tư pháp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức, nhiều đại biểu đồng tình với việc truy cứu hình sự pháp nhân kinh tế nhưng băn khoăn: Liệu người lao động có lãnh hậu quả?

Theo bà Lê Thị Hòa (Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp), xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân ở nước ta trong những năm gần đây, cũng như thực hiện nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này đã quy định việc xử lý trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân.

Chỉ truy cứu TNHS pháp nhân kinh tế

“Đây là một yêu cầu cấp thiết. Việc xử lý hình sự là biện pháp mạnh mẽ, hỗ trợ cho các biện pháp xử lý khác đối với pháp nhân như xử phạt hành chính, kiện đòi bồi thường dân sự...” - bà Hòa cho biết.

Tuy vậy theo bà Hòa, ở dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này mới chỉ truy cứu TNHS pháp nhân kinh tế với các điều kiện: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân và có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Khi pháp nhân bị truy cứu TNHS về một tội cụ thể thì cá nhân có liên quan cũng phải chịu TNHS đối với tội đó.

Bà Hòa cho hay dự thảo BLHS chỉ đưa các pháp nhân như công ty, tổng công ty, doanh nghiệp liên doanh, tập đoàn kinh tế… vào diện chịu TNHS. Còn các pháp nhân khác hoặc tổ chức không có tư cách pháp nhân như cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp… thì không phải chịu TNHS. “Vấn đề này được thiết kế theo chỉ đạo của Chính phủ” - bà Hòa nói thêm.
Khởi tố pháp nhân, người lao động thiệt?
Cơ quan chức năng trong một lần khám nghiệm hiện trường vụ xả nước thải tại công ty Hào Dương. Ảnh: Tam Anh

Phạt tiền, rút giấy phép: Người lao động bị ảnh hưởng?

Nhắc lại những vụ việc vi phạm pháp luật như Công ty Vedan xả nước thải ra sông Đồng Nai, Công ty Nicotex Thành Thái chôn thuốc bảo vệ thực vật cùng các chất thải nguy hại ở Thanh Hóa mà không xử lý được rốt ráo, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đồng ý rằng việc xử lý TNHS đối với pháp nhân kinh tế là cần thiết.

Theo luật sư Hướng, nếu quy định pháp nhân phải chịu TNHS thì các cơ quan tố tụng mới có thể điều tra, thu thập chứng cứ vi phạm của pháp nhân chứ không như vụ Vedan, vụ Nicotex Thành Thái chỉ dừng lại ở mức độ bồi thường dân sự hay xử phạt hành chính.

Đồng tình, TS Lê Đăng Doanh (Trường ĐH Luật Hà Nội) nhận định: Có những vi phạm rất tinh vi của pháp nhân mà nếu không khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không thể truy cứu được trách nhiệm. Khi truy cứu TNHS đối với pháp nhân, theo TS Doanh, cũng không loại trừ TNHS của cá nhân bởi nếu không, cá nhân sẽ trốn tránh trách nhiệm. Chẳng hạn, sau khi vụ xả nước thải ra sông Đồng Nai bị phát hiện, Vedan đã lập tức thay đổi tổng giám đốc tại Việt Nam ngay.

Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng cần phải cân nhắc việc truy cứu TNHS cũng như hình phạt đối với pháp nhân kinh tế. Bởi lẽ với những hình phạt như phạt tiền, tước giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động thì phúc lợi của người lao động làm cho doanh nghiệp đó sẽ bị sụt giảm hoặc bị mất trong khi họ không có lỗi gì khi pháp nhân vi phạm pháp luật.

Ông Trần Hữu Huỳnh (Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) cũng đề nghị cần phải rất cẩn trọng với chính sách truy cứu TNHS pháp nhân kinh tế. “Nếu làm không khéo, Việt Nam sẽ chỉ còn toàn các doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân” - ông Huỳnh nói. Một vấn đề khác mà ông Huỳnh cũng đặt ra là khi truy cứu TNHS pháp nhân thì các giao dịch của pháp nhân với các đối tác khác đang tiến hành trong thời điểm đó sẽ được giải quyết ra sao.

Ông Lê Hồng Nhu (Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam) cũng cho rằng các hình phạt như phạt tiền, rút giấy phép kinh doanh… là không phù hợp vì “toàn đánh vào người lao động”. Ông Nhu đề xuất truy cứu TNHS pháp nhân phải gắn truy cứu TNHS lãnh đạo của pháp nhân và “cần phải phạt tù lãnh đạo pháp nhân” thay vì phạt tiền, tước giấy phép.

Cần truy cứu TNHS mọi pháp nhân. Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, không nên chỉ truy cứu TNHS riêng đối với pháp nhân kinh tế mà phải truy cứu TNHS của mọi pháp nhân. Trong bản góp ý gửi đến hội thảo, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng việc truy cứu TNHS đối với mọi pháp nhân sẽ thể hiện nguyên tắc “mọi cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật”. Vả lại, không chỉ các pháp nhân là tổ chức kinh tế mới vi phạm pháp luật trong thực tế nên nếu chỉ truy cứu TNHS đối với pháp nhân kinh tế là chưa phù hợp, chưa toàn diện.


Theo Báo Pháp luật TPHCM