Khởi nghiệp với 6 triệu đồng, sau 2 năm có thu nhập khiến nhiều người mơ

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Chỉ có 6 triệu đồng làm vốn, anh Phong mua 2 cặp dúi về nuôi rồi gây đàn. Sau 6 năm, giá trị đàn dúi tăng gấp trăm lần. Tiền lãi bán dúi giúp gia đình anh Phong cuộc sống sung túc.

Anh Trần Hữu Phong (29 tuổi, ngụ tại xã Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang) hiện đang là chủ của 2 cơ sở nuôi dúi sinh sản lớn bậc nhất trong tỉnh. Mỗi năm anh Phong xuất bán hàng trăm cặp dúi giống cho các hộ nuôi khắp miền Tây, ra đến cả miền Trung.

Tay trắng khởi nghiệp, 9X có được mức thu nhập trong mơ sau 2 năm

Anh Phong cho biết, trước đây anh làm kiểm soát chất lượng sản phẩm cho một doanh nghiệp trong vùng. Tuy nhiên, nhận thấy đồng lương chỉ đủ trang trải qua ngày, không có tích lũy nên anh quyết định nghỉ việc, tìm cách khởi nghiệp.

Năm 2016, tình cờ thấy clip về mô hình nuôi dúi trên mạng xã hội, anh Phong bắt đầu tìm hiểu. Nhận thấy dúi là vật nuôi giá trị cao, ít bệnh, điều kiện sống phù hợp với môi trường miền Tây nên anh Phong quyết định chọn loài vật này để bắt đầu công cuộc làm giàu của riêng mình.

Khởi nghiệp với 6 triệu đồng, sau 2 năm có thu nhập khiến nhiều người mơ - 1

Dúi má đào bố mẹ trong trại của anh Phong có thể nặng đến trên 3kg, có giá 5 triệu đồng mỗi cặp (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Lúc khởi nghiệp tôi chỉ có 6 triệu đồng làm vốn, đóng mấy cái chuồng, mua được 2 cặp dúi bố mẹ về gây giống. Dúi nuôi 8 tháng bắt đầu đẻ, mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa khoảng 4 con.

Dúi đực mình nuôi bán thịt, dúi cái để sinh sản tiếp, từ từ, đàn cứ lớn dần. Chăm dúi đơn giản lắm, mỗi ngày cho ăn một lần, không cần cho uống nước, 3 ngày mới phải dọn chuồng nên hầu như chẳng mất thời gian, đi làm gì cũng được.

Thức ăn cho dúi gồm tre, mía, khoai, bắp... đều rẻ, dễ kiếm. Thức ăn cứ chặt nhỏ bỏ vào chuồng là được", anh Phong chia sẻ.

Khởi nghiệp với 6 triệu đồng, sau 2 năm có thu nhập khiến nhiều người mơ - 2

Chuồng dúi rất sạch sẽ nên người nuôi hầu như không tốn công dọn dẹp (Ảnh: Nguyễn Cường).

Anh Phong cho biết, những năm đầu, khi thu nhập từ dúi chưa nhiều, anh tận dụng thời gian rảnh rỗi chạy xe ba gác chở hàng thuê. Từ năm 2018, số lượng dúi đã lên đến hàng trăm cặp, anh Phong quyết định xây dựng 2 khu chuồng riêng biệt, một chuồng chuyên chăm dúi giống, một chuồng chuyên nuôi dúi sinh sản.

Theo anh Phong, chi phí làm chuồng dúi khá thấp, chuồng chỉ cần thoáng gió, kín mưa là được. Mỗi ô nuôi được tạo từ 5 tấm gạch men kích thước 60cm x 60cm, gồm 4 tấm thành và một tấm đáy, tổng chi phí 60 nghìn đồng.

Dúi mốc giống nội địa có giá khoảng 800.000 đồng một con, dúi má đào giống nhập ngoại có giá khoảng 2,5 triệu đồng một con. Căn cứ số tiền tích lũy được, anh Phong đã liên tục mở rộng quy mô chuồng trại. 

Khởi nghiệp với 6 triệu đồng, sau 2 năm có thu nhập khiến nhiều người mơ - 3

Thức ăn của dúi gồm tre, mía, ngô, khoai đều là những thứ dễ kiếm và giá rẻ (Ảnh; Nguyễn Cường).

"Sau 6 năm, từ chỉ 6 triệu đồng ban đầu, hiện 2 cơ sở nuôi của mình có khoảng 500 cá thể dúi, giá trị trên 500 triệu đồng. Mỗi tháng mình xuất bán lượng hàng giá trị khoảng 200 triệu đồng, dúi giống giao khắp miền Tây, ra cả miền Trung.

Hiện mình chủ yếu xuất giống dúi mốc vì có giá tương đối rẻ, bà con mới nuôi dễ chấp nhận. Dúi má đào có giá thành lớn hơn, mình đang giữ lại để gây đàn mới", anh Phong cho biết.

Khởi nghiệp với 6 triệu đồng, sau 2 năm có thu nhập khiến nhiều người mơ - 4

Sau 6 năm khởi nghiệp, anh Phong có 2 cơ sở nuôi với tổng giá trị trên 500 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Anh Phong chia sẻ, dù qua 2 năm dịch bệnh nhưng thu nhập của anh hầu như không bị ảnh hưởng. Hiện anh Phong đã tích lũy được một số vốn, đang tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở nuôi dúi thứ 3.

Anh Phong cũng dự định thời gian tới sẽ mua một chiếc ô tô để khi đi giao hàng, đi tư vấn cho các hộ nuôi ngoài tỉnh thuận tiện hơn.

"Mình sinh ra trong một gia đình thuần nông, không vốn, không đất. Nhờ đàn dúi mà mình có được mức thu nhập có thể coi là cao so với mặt bằng chung trong vùng, mức thu nhập chính mình cũng từng mơ ước.

Nuôi dúi dễ, hiệu quả kinh tế tốt nhưng là một công việc rất nhàm chán, đơn điệu, phải là người yêu động vật mới bám trụ được với nghề này", anh Phong chia sẻ thêm.