Khởi nghiệp: Đừng bao giờ bỏ cuộc

Với chủ đề “Khó khăn của bước đầu khởi nghiệp”, buổi giao lưu của sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP HCM với các doanh nhân, DN do Báo DĐDN phối hợp với Hội đồng Tư vấn hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam tổ chức mới đây đã diễn ra rất sôi động, hiệu quả và thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu thông tin của sinh viên.

dungbaogio9b

Các doanh nhân tham gia buổi giao lưu gồm: ông Theerapong Ritmak – TGĐ Cy TNHH SITTO Việt Nam, Nhà tài trợ chính cho chương trình; Bà Nhan Húc Quân – TGĐ Cty TNHH bao bì giấy nhôm New TOYO; ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch HĐQT Cty S PURNITURE. Các doanh nhân đã lần lượt giải đáp thấu đáo những câu hỏi của sinh viên..

Xây dựng đội ngũ

Bà Nhan Húc Quân chia sẻ: Khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp là phải xây dựng được đội ngũ nhân lực. Bài toán về con người thường rất khó và đau đầu. Các bạn cần xây dựng đội ngũ và có chính sách đãi ngộ để mọi người cùng chia sẻ áp lực công việc.

“Khi khởi nghiệp kinh doanh, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Để vượt qua những khó khăn đó, các bạn hãy tự hỏi bản thân: Các bạn có đủ năng lực để vượt qua khó khăn hay không? Các bạn có sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận làm người đốt nến để tỏa sáng và đem lại hơi ấm cho người khác hay không?” – bà Quân đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Thanh Vạn cho biết: chọn đúng người để hợp tác là điều rất quan trọng. Để chọn đúng người, các bạn cần phải hiểu mình đang tìm một người như thế nào? Hoạt động ở lĩnh vực nào? Trên cơ sở đó, các bạn đi tìm người phù hợp cho công việc.

Ông Theerapong Ritmak thì đúc kết kinh nghiệm: Càng gặp khó khăn, người lãnh đạo càng phải bình tĩnh, phân tích nguyên nhân, chọn từng vấn đề để giải quyết, ưu tiên tập trung giải quyết những vấn đề có sự ảnh hưởng lớn hơn. Khi gặp thất bại trong kinh doanh, các bạn đừng bi quan, đừng bao giờ bỏ cuộc, hãy vượt qua nó và bạn sẽ được bù đắp bằng kết quả kinh doanh tốt đẹp.

Có bao nhiêu mô hình khởi nghiệp

Theo ông Theerapong, có 4 mô hình khởi nghiệp:

Thứ nhất khởi nghiệp để kiếm tiền. Nếu khởi nghiệp vì tiền thì bạn chỉ cần làm một việc gì đó có thể kiếm ra tiền và được pháp luật cho phép.

Thứ hai, bạn có thể khởi nghiệp bằng ý tưởng sáng tạo. Bạn viết một dự án kinh doanh chu đáo và tìm nhà đầu tư. Trường hợp này bạn chỉ cần có ý tưởng hay, biến nó thành một dự án kinh doanh cụ thể và thuyết phục được nhà đầu tư. Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia do Phòng thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức hàng năm là cơ hội rất tốt để các em tìm kiếm nhà đầu tư thông qua dự án kinh doanh của mình.

Thứ ba, bạn có thể khởi nghiệp bằng sự xuất sắc cá nhân: Bạn có khả năng làm một gì đó xuất sắc, khác biệt với người khác và bạn có thể bán dịch vụ đó với giá rất cao. Trường hợp này bạn lấy công làm lời.

Để thuyết phục được nhà đầu tư, bạn phải xây dựng một dự án kinh doanh và trả lời được tất cả các câu hỏi họ đặt ra…

Thứ tư, bạn cũng có thể bắt đầu khởi nghiệp từ các mối quan hệ: Sau khi ra trường, các bạn đi làm công. Khi các bạn có những mối quan hệ trong công việc và đủ điều kiện để mở Cty riêng, bạn khởi nghiệp sẽ rất thuận lợi. Trường hợp này, sau thời gian đi làm bạn cũng đã tích lũy được tiền để làm vốn khởi nghiệp.

Bà Nhan Húc Quân cũng thống nhất việc khởi nghiệp bằng các mối quan hệ sẽ tránh được nhiều yếu tố rủi ro. Trong trường hợp này, bà Quân lưu ý sinh viên, khi bắt đầu làm công, bạn hãy chọn nơi làm việc phù hợp lĩnh vực mình dự tính kinh doanh để phục vụ mục tiêu của các bạn.

Làm thế nào thuyết phục được nhà đầu tư ?

Theo ông Theerapong Rimak: Cách đây một năm có người đến hỏi mượn tôi 10 triệu đồng để kinh doanh bán phở. Tôi hỏi anh bán ở đâu? Ai nấu phở? Ai phục vụ? Giá bao nhiêu? Anh dự kiến mỗi ngày bán được bao nhiêu tô? Và dự kiến thời gian bao lâu thì thu hồi được vốn?…

Anh ta đã quay về vì không trả lời được những câu hỏi đó. Hai tháng sau anh ta quay lại và hỏi mượn tôi không phải 10 triệu đồng mà là 50 triệu đồng. Anh ta đã trả lời được tất cả các câu hỏi của tôi. Và anh ấy đã thuyết phục được tôi. Tôi đã cho anh ta mượn 50 triệu đồng để khởi nghiệp kinh doanh.

Điều đó cho thấy, để thuyết phục được nhà đầu tư, bạn phải xây dựng một dự án kinh doanh và chuẩn bị tất cả các câu hỏi về nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh? khách hàng là ai? Cách tổ chức như thế nào? Vốn được sử dụng ra sao?…

Những trao đổi chân thành và nhiệt tình của các doanh nhân đã khích lệ sinh viên càng tự tin đặt câu hỏi. Mặc dù gần hết thời gian giao lưu, nhưng những cánh tay vẫn tiếp tục đưa lên. Buổi giao lưu chia tay trong niềm vui và tràn đầy niềm hy vọng…

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp