1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Khoảng 1/4 số lao động di cư sống trong các ngôi nhà rộng 10m 2

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở, lao động di cư khó có cơ hội tìm kiếm được việc làm bền vững, điều kiện nhà ở khó khăn và khó tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.

Lao động di cư gặp khó khăn về nhà ở, giáo dục, y tế.

Lao động di cư chiếm 8,4% tổng số lao động

Ngày 27/10, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức hội thảo "Tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư Việt Nam" tại TPHCM.

Báo cáo tổng quan về lao động di cư Việt Nam, thạc sĩ Dương Thị Linh - Tổng cục thống kê - cho biết, dựa vào điều tra mẫu về dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy số lao động di cư chiếm 8,4% tổng số lao động cả nước (trong đó 3,1% di cư trong huyện, 1,5% di cư giữa các huyện trong tỉnh và 3,8% di cư giữa các tỉnh).

Khoảng 1/4 số lao động di cư sống trong các ngôi nhà rộng 10m 2 - 1

Hội thảo "Tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư Việt Nam" tại TPHCM.

Trong 6 vùng kinh tế xã hội thì Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ lao động di cư cao nhất với 20% so với tổng số lao động di cư. Trong đó có 6 tỉnh có tỷ lệ lao động di cư cao nhất cả nước bao gồm: Bình Dương (35%), TPHCM (22%), Bắc Ninh (20%), Đà Nẵng (18%), Đồng Nai (14%) và Hà Nội (12%).

Đa số người lao động di cư lựa chọn điểm đến là các thành thị, điều này đặt áp lực cho các khu vực thành thị rất lớn. Đặc biệt trong công tác xây dựng và triển khai những chính sách về giáo dục và đào tạo cũng như cung cấp việc làm nhằm sử dụng ưu thế của lực lượng lao động trẻ này.

Khoảng 1/4 số lao động di cư sống trong các ngôi nhà rộng 10m 2 - 2

Thạc sĩ Dương Thị Linh, tổng cục thống kê cho biết, dựa vào điều tra mẫu về dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy số lao động di cư chiếm 8,4% tổng số lao động cả nước.

Cũng theo mẫu điều tra cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của lao động di cư rơi vào khoảng 2,5 % cao hơn 1,3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của lao động không di cư và lao động nữ thất nghiệp cao hơn lao động nam giới.

Hiện nay, khoảng 1/4 lao động di cư sống trong những ngôi nhà có diện tích bình quân nhỏ hơn 10m2. Tỷ lệ lao động di cư đang sống trong nhà thuê, phòng trọ chiến tỉ lệ 45%, tập trung lớn tại 3 tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai. Đồng thời các tỉnh này cũng là các tỉnh có nhiều khu công nghiệp.

Khó tiếp cận các chính sách an sinh

Trao đổi về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, đại diện Mạng lưới Hành động vì lao động di cư (M.net) cho biết năm 2017 chỉ có 0,7% người lao động phi chính thức tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện vì nhiều nguyên nhân.

Chính sách BHXH tự nguyện hiện chỉ có 2 chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất. Còn các chế độ khác như thai sản, ốm đau hoặc các chế độ y tế thì không có. Chính điều này là nguyên nhân chính làm cho bảo hiểm xã hội không hấp dẫn với người lao động. 

Khoảng 1/4 số lao động di cư sống trong các ngôi nhà rộng 10m 2 - 3
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến cho biết người di cư còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các chính sách an sinh.

Cùng với đó là thời gian đóng bảo hiểm quá dài: Đối với nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm thì mới được hưởng lợi ích từ bảo hiểm mang lại. Ngoài ra, nơi mua Bảo hiểm xã hội tự nguyện phải liền với nơi đăng ký hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú, đây chính là rào cản lớn đối với các lao động di cư.

Cùng với câu chuyện của bảo hiểm xã hội, các vấn đề về bảo hiểm y tế cũng được mang lên để tranh luận. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, trước đây, bảo hiểm y tế mua theo hộ gia đình và đến khi khám thì khám tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.

Đến nay, bảo hiểm y tế đã thay đổi nhiều để hỗ trợ người dân, tuy vậy, nhiều người vẫn khó tiếp cận chính sách này. 

Hơn 12.000 tỷ đồng đã giải ngân hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện VP Bộ LĐ-TB&XH, tại TPHCM, đến ngày 20/10, đã thực hiện giải ngân hơn 12.000 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho hơn 12 triệu người dân và 26.000 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.. 

Trong đó, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 7 triệu người với kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng; nhóm đối tượng là người lao động đã được hỗ trợ là hơn 887.000 người với kinh phí hơn 898 tỷ đồng; hỗ trợ 26.437 hộ kinh doanh với kinh phí 26,52 tỷ đồng…

Theo thống kê của các trung tâm dịch vụ việc làm 63 tỉnh, thành phố, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 896.000 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện đã có 839.260 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền trợ cấp là hơn 14.000 tỷ đồng (mức hưởng bình quân là trên 3 triệu đồng/người/tháng).