Nghệ An:
Khó khăn trong tìm kiếm việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn
(Dân trí) - Huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An có 68.000 người lao động, trong đó còn tới 28.000 người thiếu việc làm ổn định. Vì vậy, để tìm việc làm cho số lao động này vẫn là bài toán nan giải
Anh Phan Trọng Huấn, trú ở xã Nghĩa Thái là một trong hàng chục lao động nông thôn trên địa bàn được tham gia vào một lớp trồng cây ăn quả ở trên địa bàn cho hay: "Gia đình có rất nhiều diện tích thích hợp cho việc trồng cây ăn quả nhưng do không nắm được kỹ thuật, phương pháp nên chỉ dùng để trồng mía, sắn… cho thu nhập rất bấp bênh, đời sống gia đình đang hết sức khó khăn".
Đánh giá về lớp học, anh Huấn cho biết: "Tôi mới tốt nghiệp xong nhưng đã nắm rõ được về kiến thức cơ bản. Hiện gia đình đang triển khai 1 ha bưởi da xanh và nhiều loại cây ăn quả khác. Hy vọng trong thời gian tới cây phát triển tốt và cho thu nhập để gia đình đỡ vất vả hơn trong cuộc sống".
Cũng như anh Huấn, chị Phan Thị Mai trú tại xã Kỳ Tân chia sẻ: "Vừa rồi tôi có tham gia lớp nấu ăn tại trường Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện Tân Kỳ. Từ trước đến nay gia đình tôi chỉ nhìn vào mấy sào ruộng nước và hơn 1ha rừng trồng keo. Ngoài sản xuất nông nghiệp, thời gian rảnh rỗi tôi lại đi làm thuê kiếm thêm thu nhập nhưng đời sống gia đình đang hết sức khó khăn".
"Sắp tới sẽ có công ty may về đóng trên địa bàn xã, tôi mong muốn sẽ được tuyển dụng vào nhà máy để nấu ăn cho đỡ vất vả và có thu nhập ổn định hơn", chị Mai chia sẻ thêm.
Tân Kỳ là huyện miền núi nghèo với 21 xã thị trấn, dân số trên 142.000 người. Trong những năm qua đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi, buôn bán dịch vụ, nên đời sống của bà con nông dân đa số vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại toàn huyện có 68.000 người lao động (trong đó có 40.000 người lao động có việc làm còn 28.000 người không có việc làm ổn định). Là một huyện miền núi nghèo, số lao động nông thôn trong độ tuổi vẫn còn dư thừa nhiều. Chính vì vậy việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Tân Kỳ là hết sức cần thiết.
Trong những năm qua huyện Tân Kỳ đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng trên địa bàn. Hiện tại, trên địa bàn đã có các nhà máy như: Nhà máy mía đường Sông Con, nhà máy chế biến sắn, gỗ ép… đã thu hút hơn 2.000 lao động địa phương vào làm việc tại đây, đã phần nào tạo công ăn việc cho người lao động dôi dư ở địa phương này. Bên cạnh đó, trên địa bàn nhà máy may Minh Anh đã triển khai xây dựng thu hút khoảng 5.000 lao động địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều xã trên địa bàn huyện dôi dư lao động nông thôn rất nhiều.
Trước nhu cầu thiết thực của người dân trên địa bàn, trong thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, các ban ngành đoàn thể như: Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội nông dân, nên bước đầu đã phần nào tạo cơ hội học nghề để giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn trên địa bàn. Đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Trong thời gian qua UBND huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH cùng với các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, trong đó có Trung tâm GDNN - GDTX phối hợp với Trung tâm dạy nghề trong và ngoài tỉnh, làm tốt công tác tuyển sinh, danh mục nghề đào tạo, đối tượng và thời gian đào tạo.
Đồng thời quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo tốt nhất cho công tác dạy nghề đạt hiệu quả cao. Huyện sẽ phấn đấu mỗi năm đào tạo được trên 2.000 lao động, trong đó lao động qua đào tạo nghề được cấp chứng chỉ dự kiến có khoảng 1.000 lao động. Lao động thông qua chương trình tập huấn nâng cao chất lượng việc làm là khoảng 1,5.000 lao động. Phấn đấu đến hết năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 58%.
Ông Đặng Ngọc Thân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Kỳ chia sẻ: "Là một huyện nghèo, công nghiệp chưa phát triển, trong thời gian tới phòng sẽ phối hợp với các ban ngành đoàn thể, tiếp tục đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập".