1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Khó điểm mặt cán bộ “cắp ô đi, cắp ô về” thì khó tinh giản biên chế

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, người đứng đầu nhận thấy cán bộ năng lực yếu kém, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, nhưng khó điểm mặt, chỉ tên để tinh giản.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức đầu tháng 7, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, về sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, tính đến nay, các cơ quan hành chính tinh giản biên chế 4.294 người, đơn vị sự nghiệp công lập 24.717 người, công chức cấp xã 5.767 người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã sắp xếp lại giảm 15 vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục.

Tinh giản biên chế còn chậm so với yêu cầu

Đánh giá về những con số nêu trên, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, những chuyển động vừa qua là đáng ghi nhận, song vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra. Ở địa phương, tuy một số nơi đã sáp nhập được một số đơn vị, như Lào Cai đã sáp nhập Sở GTVT với Sở Xây dựng, nhưng nhìn chung các tỉnh, thành phố chưa chuyển động mạnh mẽ. Khi chưa sắp xếp được bộ máy thì đương nhiên biên chế cũng chưa thể giảm được.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

“Nếu không kiên quyết về mặt biên chế thì cũng chỉ là chuyển người này ở vị trí này sang vị trí kia, có thể giảm chỗ này nhưng lại phình ra chỗ khác, chưa đáp ứng được mong muốn từ nay đến 2021 phải giảm 10%. Trong khi đó, chúng ta vẫn phải tuyển dụng mới để cán bộ trẻ, cán bộ được đào tạo bài bản được bổ sung vào bộ máy, không biết đến năm 2021 nếu giảm được 10% thì số lượng cán bộ tăng thêm sẽ là bao nhiêu, khi đó bộ máy có tinh gọn?” – ông Nguyễn Trọng Phúc nói và nhấn mạnh từ Trung ương đến địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hơn, cấp trên làm mạnh thì sẽ làm gương cho cấp dưới.

Đánh giá cao cách làm của Vĩnh Phúc trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, bước đầu đạt được những kết quả khả quan, ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, cần tổng kết thực tiễn, đánh giá mặt làm được và chưa được để các địa phương khác học tập.

Còn với cách làm của Đà Nẵng, chi một khoản tiền để khuyến khích cán bộ công chức, viên chức nghỉ sớm cũng cần tính toán kỹ vì việc này có thể giảm được số người trong biên chế, có thể giải quyết người có năng lực, trình độ hạn chế để xếp sắp những người có triển vọng vào vị trí lãnh đạo, song còn đội ngũ công chức, viên chức bình thường lại chưa “đụng” đến được.

Theo ông Phúc, vấn đề này cần được tính toán kỹ trên cơ sở chính sách tiền lương, cơ sở pháp lý, Luật cán bộ công chức… Bởi lẽ, nếu tính từ nay đến khi cán bộ nghỉ hưu, số tiền lương họ nhận được cũng bằng khoản được hưởng trợ cấp 1 lần thì sẽ không tác động nhiều đến ngân sách. Trong khi đó, việc cán bộ nghỉ hưu sớm còn phụ thuộc rất nhiều đến tâm lý, danh dự… nên giải pháp chi một khoản tiền chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được căn bản.

Cách đây gần 30 năm khi thực hiện Quyết định 176, người lao động nghỉ việc sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần, chính sách này đã khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều người về hưu trước tuổi. Tuy nhiên sau đó bộ máy lại phình to, nhất là những năm 90 trở lại đây, bởi người ta vẫn nghĩ vào Nhà nước vẫn là môi trường tốt nhất, với chế độ, chính sách tiền lương ổn định.

“Tại sao nhiều người vẫn muốn vào Nhà nước như thế, thậm chí phải bỏ tiền để “chạy”, chạy cả những suất giáo viên, nhân viên hành chính. Chưa kể những người có trình độ thấp, con ông cháu cha cũng cố xin vào bộ máy Nhà nước như là nơi neo đậu để hưởng thụ. Cơ quan nhà nước được họ xem như chùm khế ngọt, không làm được việc nhưng hết tháng vẫn được lĩnh lương" – ông Nguyễn Trọng Phúc lý giải.

Theo ông Phúc, cần tính đến những cách thức mới như chuyển thành hợp đồng lao động, bãi bỏ biên chế làm việc suốt đời, người nào có năng lực, đáp ứng được yêu cầu công việc mới được hưởng lương. Về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất vẫn là thực hiện từ khâu tuyển dụng, xếp sắp bộ máy thật cẩn trọng. Nếu không làm tốt khâu đầu vào thì chỉ một vài năm nữa, bộ máy phình to, lại đi xử lý như hiện nay thì rất khó.

Một yêu cầu nữa là cần thông suốt về mặt tư tưởng, quan điểm đối với từng cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là người đứng đầu nhận thức được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 đã nêu, kiên quyết làm vì lợi ích của đất nước, của chế độ, từ đó mới đi đến bước xếp sắp bộ máy, cơ cấu tổ chức dựa trên cơ sở chính sách tiền lương, cơ sở pháp lý, Luật công chức viên chức… đối với cán bộ làm việc lâu năm, sao cho có lý, có tình.

Xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể với từng cấp, từng cán bộ

Cho rằng, trong việc tinh gọn bộ máy, vai trò của người đứng đầu là hết sức quan trọng, theo ông Nguyễn Trọng Phúc, nếu người đứng đầu quyết tâm làm thì sẽ thực hiện được. Ngược lại, nếu người đứng đầu, tổ chức Đảng cơ sở không mạnh, không đủ bản lĩnh, bị các thế lực khác chi phối dẫn đến dĩ hòa vi quý, sợ đụng chạm, bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ thì sẽ rất khó để thực hiện được mục tiêu.

“Chính vì vậy, người đứng đầu phải bản lĩnh, có đủ trách nhiệm, đủ biện pháp cần thiết, đồng thời phải thông suốt giữa cơ quan tổ chức lãnh đạo với bản thân cán bộ công chức, viên chức thì mới thực hiện được” – ông Phúc nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định, đội ngũ con ông cháu cha, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” trong bộ máy nhà nước hiện nay vẫn chiếm số lượng nhiều. Người đứng đầu nhận thấy cán bộ nào năng lực yếu kém nhưng lại khó điểm mặt chỉ tên để tinh giản. Căn cốt nhất của vấn đề này vẫn chính là bao cấp, không có chuẩn mực đánh giá công việc của mỗi người. Chính vì vậy, làm thế nào đánh giá được hiệu quả công việc, trả lương theo năng suất lao động thì mới phân loại được những đối tượng để tinh giản, thu hút những người giỏi, lớp trẻ vào làm việc. Còn nếu vẫn cứ xếp lương theo bậc, người không làm được việc vẫn được hưởng lương thì sẽ không công bằng với những người có nhiều cống hiến.

Vừa qua, một số nơi đánh giá và có kết quả khởi sắc như quận Long Biên (Hà Nội) đánh giá cán bộ từng tháng, thậm chí hàng tuần, từ đó xếp cán bộ vào loại gì, có đáp ứng công việc hay không. Nếu cán bộ được đánh giá thấp sẽ có cơ sở để loại ra khỏi bộ máy.

“Của ta vẫn gắn với cơ chế tín nhiệm, đụng đến mâu thuẫn con người với nhau, nên bây giờ mới xuất hiện tình trạng cấp trên sợ cấp dưới, thủ trưởng sợ nhân viên không bỏ phiếu tín nhiệm cho mình. Chưa kể đến mối quan hệ chằng chịt nên trong công việc dễ dĩ hòa vi quý, thủ trưởng không dám nói nhân viên, mặc dù biết họ không làm được việc, chưa kể họ còn là con ông cháu cha của cấp này, cấp kia. Bây giờ phải xây dựng được hệ tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể với từng cấp, từng cán bộ, có thang đánh giá minh bạch, áp dụng công khai, công bằng với mọi thành viên. Tuy nhiên, chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi thì cần phải làm từng bước thận trọng, không thể đẩy người lao động ra ngoài xã hội, gây rối loạn cuộc sống của họ, nên phải tính một cách căn cơ thì mới giải quyết được” – ông Nguyễn Trọng Phúc nêu ý kiến.

Theo Kim Anh/VOV.VN