Khó đạt chỉ tiêu xuất khẩu lao động năm 2012

(Dân trí) - Trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã có trên 32 nghìn người xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, số lao động đưa đi mới chỉ đạt 35,86% chỉ tiêu của năm.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ –TB&XH), trong 5 tháng đầu năm cả nước đã đưa được 32.272 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Đài Loan vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ), tiếp đó là Hàn Quốc, Nhật Bản…Đáng chú ý là Việt Nam đã đưa được những lao động đầu tiên vào thị trường Đan Mạch, một nước trong liên minh châu Âu.

 Dù đã có những tín hiệu đáng mừng trên thị trường, nhưng theo đánh giá của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, số lao động đã đưa đi mới chỉ đạt 35,86% so với chỉ tiêu kế hoạch dự kiến đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2012.

Theo đánh giá của chuyên gia, nhiệm vụ của 7 tháng còn lại trong năm nay của ngành XKLĐ là hết sức nặng nề, khó khăn, do tình hình kinh tế khó khăn chung ở nhiều quốc gia.

Dự báo thị trường XKLĐ  gặp nhiều khó khăn trong năm 2012
Dự báo thị trường XKLĐ  gặp nhiều khó khăn trong năm 2012

Lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ LĐ –TB&XH cho biết, điểm sáng hiện nay trong ngành XKLĐ hiện nay là thị trường Malaysia, bởi hiện nay tình hình việc làm, đời sống và thu nhập của lao động làm việc tại Malaysia là khá tốt; thị trường này cũng không đòi hỏi quá cao về trình độ tay nghề và ngoại ngữ, rất phù hợp với lao động ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, do nhiều thông tin chưa chính xác trước đây mà dường như nhiều người lao động vẫn còn e ngại với thị trường nhiều tiềm năng này.

Cũng theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, sau thời gian biến động chính trị, hiện nay tình hình Libya đã đi vào ổn định, cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường, một số nước như Thái Lan, Philippines và Banglades đã bắt đầu đưa lao động trở lại làm việc tại thị trường này.

Hiện các chủ sử dụng lao động Việt Nam trước đây cũng tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị nguồn lao động, cung cấp số lượng lao động nhất định sang để khẩn trương triển khai lại dự án. Do vậy, việc thí điểm đưa lao động trở lại Libya làm việc đang được các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp XKLĐ xúc tiến thực hiện.  

P. Thanh