Khi “yết kiêu” vào công sở
Hoài đeo bộ mặt vênh vênh, lúc nào cũng “vác mặt” lên trời, ai hỏi gì cũng khinh khỉnh. Thậm chí cô nàng còn lớn tiếng tuyên bố: “Nhà tớ ở số 1 Yết Kiêu.”
Chẳng biết Hoài du học ở đâu về, giỏi giang như thế nào nhưng ấn tượng đầu tiên khi cô vào công ty là tạo cho mọi người sự khó chịu. Từ bác trông xe đã có tuổi, các đồng chí “lão thành” ở công ty cho đến những đồng nghiệp trẻ trung, không ai tán thành với thói vênh váo, kênh kiệu của Hoài. Ngay từ hôm đầu tiên đi làm, được nhân sự dẫn đi giới thiệu với mọi người ở các phòng ban, mặt Hoài lạnh băng, thậm chí không thèm nhìn người đối diện.
Hôm sau đến sớm, Hoài đỗ con xe tay ga to đùng ngay cửa ra vào, bác bảo vệ nhắc, cô chẳng thèm đáp lời, chỉ cười khẩy rồi lại tung tẩy lên văn phòng. Bước vào phòng làm việc, chẳng thèm chào hỏi ai, Hoài cứ thế tiến thẳng đến chỗ ngồi, tiết kiệm cả câu chào xã giao buổi sáng với đồng nghiệp, với cả trưởng phòng. Chiều về cũng vậy, bao giờ cũng về sớm nhất phòng nhưng không bao giờ cô có lời chào đồng nghiệp. Đã đành, không nói gì với mấy cô nhân viên cũng mới toanh như Hoài, không chào mấy cô cậu kém tuổi thì thôi nhưng kể cả những đồng nghiệp cùng phòng lớn tuổi hơn mình cả một giáp, Hoài cũng kệ, cứ như ở chốn không người.
Hồi đầu, thấy Hoài mới vào, trông hình thức cũng ưa nhìn, ăn mặc sành điệu, mấy cậu phòng sales vốn có tiếng là “bẻm mép” cũng lân la làm quen. Hỏi gì Hoài cũng chỉ cười khinh khỉnh, chẳng trả lời câu nào cho tử tế, thậm chí có lần còn lớn tiếng: “Anh tuổi gì mà tôi phải quen” khiến các chàng trố mắt nhìn nhau. Thấy ngứa mắt, Minh bật lại “Anh chưa thấy ai kiêu như em”, cô nàng chẳng ngại ngần “Ở, thế anh không biết, nhà em số 1 Yết Kiêu à?”
Khi các chị cùng phòng góp ý, Hoài lại được dịp thể hiện “đẳng cấp” của mình. Nào là em du học bên Tây về, sống và làm việc “ở bển” người ta như thế cả nên cũng bị Tây hóa. Nào là vốn tính “kiêu” từ bé, không sửa được. Nể sếp là chỗ quen biết, lại có lời mời nhiệt tình nên mới chịu về đây làm chứ không thì cũng phải đợi xin được một chân giám đốc đại diện cho một công ty nào đó của nước ngoài cho xứng đáng. Thế nhưng, khi Hoài bắt tay vào công việc thì ôi thôi, ai cũng mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau vì không hiểu mấy năm du học ở trời Tây, cô nàng thu được những gì. Bởi ngoài vốn Tiếng Anh giao tiếp khá thông thạo, kiến thức chuyên ngành truyền thông của Hoài coi như bằng không dù lúc nào cô cũng rêu rao du học ngành truyền thông “ở bển” về.
Thế nhưng, ít nhất Hoài còn có cái mác du học và ngoại hình xinh xắn để mà “kiêu”. Còn Thu thì hầu như chẳng có gì ngoài vốn kiến thức bập bõm thu được ở trường ĐH nhưng thói “yết kiêu” của cô thì đến y học cũng… bó tay. Làm việc với nhau mấy tháng, nhưng chả bao giờ cô mở miệng hỏi han mọi người một câu, thậm chí người khác hỏi Thu nhiều khi cô còn không buồn trả lời. Chẳng hiểu sao, Thu luôn cho rằng cô hơn hẳn mọi người một bậc và chẳng việc gì cứ phải bắt chuyện hay đáp lại những câu hỏi không đâu vào đâu vì cô luôn cho rằng đó là những câu vớ vẩn, không đáng phải bận tâm. Nói mãi chẳng được, lại phải nghe những lời chối tai của Thu nên lâu dần chẳng ai thèm góp ý.
Thu còn gây “sốc” hơn khi cắt đuôi các đồng nghiệp nam không thương tiếc. Đến giờ mọi người thỉnh thoảng vẫn nhắc lại chuyện cậu Thanh - phòng IT thấy Thu là đồng hương, ít nói, điềm tĩnh nên cũng muốn lân la hỏi chuyện và nhờ các chị cùng phòng Thu mai mối hộ. Thanh không đẹp trai vào dạng hot boy trong công ty nhưng ăn nói có duyên, hiền lành nên cả công ty đều quý. Ai dè, các chị vừa mở miệng, Thu tương luôn: “Chị thôi ngay đi, có mối mai thì cũng chọn ông nào cho tương xứng một tý. Ông ấy lù đà lù đù, có xách dép cho em cũng chả xong, nói gì yêu đương”.
Cả phòng há hốc mồm, không biết cái sự tương xứng Thu nói ở đây là gì, chỉ có cậu Hoàng - người vốn nổi tiếng thẳng thắn trong công ty và là bạn thân của Thanh, ấm ức thay cho bạn, anh vặc lại luôn: “Gớm, em có gì mà kênh kiệu thế. Em thử xem lại mình đi, cũng nhiều tuổi, chẳng xinh xắn gì, bây giờ đầy các em 9X xì tin xinh như mộng. Thằng Thanh nó có làm sao mới để ý đến em đấy”. Thu ngớ người với lời phản bác của Hoàng, rồi mỉa mai quay đi với câu cửa miệng “Đúng là không ăn được thì đạp đổ”. Cũng chẳng ai tranh luận với Thu làm gì nhưng từ đó về sau, chả ai dại gì động đến cô nàng vừa xấu vừa kiêu này nữa.
Làm cùng công ty, là đồng nghiệp nơi công sở, hãy thể hiện sự hòa đồng, vui vẻ, biết quan tâm đến mọi người. Tất nhiên, mỗi người đều có cá tính và cách sống riêng nhưng sự kiêu căng, hợm hĩnh, coi thường người khác nhất là với các đồng nghiệp không bao giờ đem đến cho bạn kết quả tốt đẹp.
Theo Zing