Khi những bà nội trợ... lái xe ôm

Không kém cạnh đám mày râu, những phụ nữ ở Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, lâu nay vẫn lấy nghề chạy xe ôm để mưu sinh. Công việc thường ngày của họ đã đánh tan dư luận về khái niệm “phận liễu yếu đào tơ”...

Nữ xe ôm nai thân giữa nắng mưa

Một lần tôi về chợ Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ gởi xe ở một quán tạp hóa ven đường, đang lẩn thẩn cuốc bộ vào chợ thì bất ngờ bị một bàn tay vỗ lên vai, chưa kịp quay mặt lại nhìn đã nghe một giọng vang lên “Chú, đi xe ôm không?”. Tôi quay lại, trước mặt là một người mặt bịt kín chỉ còn trơ trọi đôi mắt. “Chú chạy xe ôm à! Con có xe rồi”- tôi vừa dứt lời, cả khu chợ ồ lên cười, rồi ai đó chen vào: “Nó là con gái, chớ chú mô ra”.

Người phụ nữ vỗ vai tôi là chị Hồ Thị Việt (50 tuổi), dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen vì sương gió bụi đường. Nghe tôi gọi là chú, như bị tự ái, chị lôi cái khẩu trang ra rồi bảo: “Người ta ri mà kêu là chú”.


“Làm nghề lái xe ôm này phải nai thân ra giữa nắng mưa, bụi đường, nhưng cũng vui, được đi nhiều vùng. Chứ nếu ở nhà làm nông hoặc đi làm thuê chắc chi được đi nhiều nơi”, chị Việt bảo.

“Làm nghề lái xe ôm này phải nai thân ra giữa nắng mưa, bụi đường, nhưng cũng vui, được đi nhiều vùng. Chứ nếu ở nhà làm nông hoặc đi làm thuê chắc chi được đi nhiều nơi”, chị Việt bảo.

Thấy tôi có vẻ không tin khi nghe chị giới thiệu là xe ôm, chị Việt hỏi: “Sao, chưa thấy phụ nữ chạy xe ôm khi nào à?”. Đúng là thấy lạ, tôi lân la hỏi chuyện mới hay, ở đây có cả đội xe ôm là nữ và số lượng lên đến 10 người. Tôi “ngã ngửa” khi nghe rằng, những phụ nữ chạy xe ôm ở đây đều trên 40 tuổi, và ai cũng có thâm niên chạy xe trên 10 năm. Đặc biệt hơn, đội xe ôm này lại đắt khách hơn đội xe ôm của cánh đàn ông.

Tôi tranh thủ mời chị Việt vào quán nước ven đường chuyện trò. Nhưng vừa chụp được tay chị, kéo đi được vài bước, chị giựt tay tôi ra rồi nhìn đồng hồ, bảo:“Giờ có khách rồi, cỡ 10 giờ, chợ tan tôi mới rảnh được”. Vậy là đành hẹn chị đến 10 giờ. Tấp vào quán nước, bà chủ quán nói vọng ra: “Mấy đứa phụ nữ chạy xe ôm ở đây rứa mà đắt khách hơn đàn ông, thanh niên. Một buổi sáng có đứa chạy cả mấy chục chuyến”.

Sau hơn một giờ, đúng hẹn, chị Việt quay lại gặp tôi. Bỗng dưng ở phía chợ xuất hiện rất nhiều người, theo lời chị Việt đó là những “đồng nghiệp”. “Tôi ở xã khác qua làm dâu ở đây. Hồi trước nhà tôi ở sát chợ, có mở một bãi giữ xe cho khách, thấy tôi dắt xe cho mấy người đi chợ, ai cũng cũng hỏi có chạy xe ôm không, nên từ đó tôi nảy ra ý định thử chạy xe ôm xem sao. Chạy mãi thấy cũng ổn, có thu nhập nên tôi theo nghề từ hồi đó tới giờ” - chị Việt kể.

Chị Việt dứt lời, chị Nguyễn Thị Nở (52 tuổi) chen vào: “Thấy chồng tôi chạy xe ôm, thu nhập cũng được nên tôi học theo. Ban đầu ông ấy không cho tôi chạy, nhưng tôi quả quyết một hai đi bằng được nên cuối cũng ông ấy cũng chịu. Chạy từ hồi 40 tuổi tới chừ, giờ cả hai vợ chồng đều chạy xe ôm”.

Nghe vợ giải thích cách vào nghề xe ôm, anh Nguyễn Đức Minh - chồng chị ngồi bên, góp chuyện: “Không biết vợ tôi nó nghe ai xui khiến mà về cứ nằng nặc đòi tôi cho đi chạy xe ôm cùng. Tôi phản đối, vì là dân trong nghề nên tôi hiểu, tôi còn thấy cực, huống gì là phụ nữ. Nhưng tính vợ tôi nó vậy, đã quyết không ai cản được”.

Một điều khá lạ là đội xe ôm ở đây rất đắt khách, nhiều lúc cánh xe ôm nam ngồi chơi xơi nước thì những xe ôm nữ chạy không hết khách. Tôi bông đùa, chắc là khách họ thấy mấy anh chồng bắt vợ ra đứng đường, chạy nghề này cực quá nên khách họ thương. “Tôi cũng thấy lạ, tưởng vợ tôi và mấy chị có kế gì, hóa ra khách ở đây thích đi xe ôm nữ vì mấy chị họ chạy an toàn, không chạy nhanh, chạy ẩu như đàn ông. Nhưng rứa cũng được, vợ tôi có việc còn tôi ngồi chơi, miễn răng có thu nhập” - anh Đức giỡn lại.

Thân gái dặm đường

Đã quá trưa, chị Việt gợi ý: “Giờ chú muốn leo lên xe để tôi chở đi một vòng xem tay lái không?” Dĩ nhiên là tôi không dại gì mà từ chối. Chị Việt ra dắt xe, tôi đội mũ bảo hiểm rồi lên xe theo chị một vòng. Xe vừa đi một đoạn, sực nhớ ra chuyện bằng cấp, tôi hỏi chị có bằng lái xe không? Chị Việt phanh xe bất ngờ, quay lưng lại đáp, giọng hờn mát: “Sáng giờ khinh nhau lắm rồi nghe. Dĩ nhiên là bằng cấp hẳn hoi. Để tôi lấy ra cho mà xem. Gớm, coi thường phụ nữ quá. Làm nghề ni mà không có bằng, công an giao thông họ tuýt còi cái, chỉ có bỏ nghề”.

Đã nhiều lần đi xe ôm, nhưng cảm giác đi xe ôm do phụ nữ chở khác hẳn. Vận tốc xe chạy chỉ nhỉnh hơn xe đạp một chút. Lý giải cho tốc độ này, chị Việt nói nghe giống... cán bộ tuyên truyền bên giao thông: “Nhanh một giây chậm cả đời”, rồi chị tiếp lời: “Chạy ri mấy mệ ưa lắm, như ri mới đắt khách hơn so với xe ôm nam. Chứ chạy nhanh mấy mệ không ưa”. Hết một vòng xe, sau khi trả tôi về lại chợ, chị Việt hỏi dò: “Thấy tôi đi an toàn chưa, đi xe ôm do đàn ông chở khác đi với tôi nhiều chứ...”

Đằng sau những vòng xe, đằng sau những đồng tiền các chị làm xe ôm ở đây kiếm được nó đều có những nỗi niềm riêng. Chị Việt, đi được một đoạn, dừng xe ở một ngã ba, bảo: “Cách đây mấy hôm tôi mới ngã ở đây. May xe không có khách, tôi cũng chỉ bị trầy xước nhẹ”. Hỏi nguyên nhân vì sao chị ngã khi vận tốc xe chậm như vậy? Chị Việt bảo đang chạy thì từ đâu xuất hiện ra cả một đàn chó đuổi nhau, xe đâm vào chó, rồi cả người cả xe ngã chổng vó ra.

Bị tai nạn nghề nghiệp như chị Việt ở cánh xe ôm nữ không ít, nhưng cũng nhờ chạy chậm, an toàn nên nếu có cũng chỉ trầy xước nhẹ. Cũng bị tai nạn nghề nghiệp hồi mới vào nghề, nhưng không hề hấn gì, chị Dương Thị Xí (50 tuổi), nhớ lại: “Hồi mới vô nghề, tôi cũng bị ngã mấy lần. Không phải do chạy ẩu gì cả, mà do đường xấu thấy cái vũng nước, tưởng cạn tôi băng qua, ai ngờ bánh trước hụp xuống, rứa là ngã, ướt như chuột lột. Nhưng bữa ni chạy quen tay lái, quen đường, không sợ nữa”.

Đa số những chị chạy xe ôm ở đây buổi sáng đều túc trực ở chợ Mỹ Lợi. Và khách của những nữ xe ôm này cũng đặc biệt như mấy chị, cũng toàn là phụ nữ, dù nam giới có trả giá cao bao nhiêu cũng không chở. Có chăng họ chỉ chở đàn ông, con trai khi bị tai nạn, hoặc bệnh phải đi cấp cứu khẩn.

“Kén” khách là vậy, nhưng thu nhập hàng ngày của những “nữ tài xế” ở đây cũng không phải thấp, một ngày trừ mọi chi phí ra ai cũng thu nhập được trên 150 nghìn đồng. Chợ tan cũng là lúc các chị lần lượt ra về.

Nhưng không phải chợ tan là hết khách, nói theo cách văn hoa của mấy chị là về “trực tổng đài” ở nhà. Cứ hễ có ai báo chở đi đâu thì mấy chị lại xách xe đi. Có những cuốc nhờ mấy chị chở vào tới Đà Nẵng. Rồi có những lúc ban đêm có người cần chở đi gấp mấy chị cũng hì hục dậy chạy. “Nhưng không phải cứ có khách là đi, chúng tôi phải xem đoạn đường đi có an toàn không, vì ban đêm đi xe nguy hiểm, đi qua những đoạn đường vắng thì biết chuyện chi xảy ra. Có chuyện chi biết kêu ai” - chị Xí bộc bạch.

Tôi hỏi mấy chị bao giờ thì thôi không làm xe ôm nữa? Câu trả lời tôi nhận được là khi nào già, khách không muốn chúng tôi chở nữa thì hết chạy. Chạy xe ôm đa phần là do đàn ông đảm trách, ở nơi khác thì được xem như là nghề của nam giới, riêng ở đây thì không phân biệt. Và ở đâu thì tôi không biết, riêng ở đây cánh mày râu không ai dám coi thường phụ nữ.

“Làm nghề lái xe ôm này phải nai thân ra giữa nắng mưa, bụi đường, nhưng cũng vui, được đi nhiều vùng. Chứ nếu ở nhà làm nông hoặc đi làm thuê chắc chi được đi nhiều nơi”, chị Việt bảo.

Theo Báo Lao động