1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Khi người làm nghề y được tự do di chuyển trong khối ASEAN

Khi Cộng đồng ASEAN được thành lập thì trong lĩnh vực y tế sẽ có 3 ngành nghề được tự do di chuyển trong khối theo Thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau, đó là nha sĩ, bác sĩ và điều dưỡng.

Khi người làm nghề y được tự do di chuyển trong khối ASEAN - 1

Thạc sĩ Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Thúy Hà

“Sân chơi” này vừa là cơ hội, đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam. Bởi, trong thời gian tới, bác sĩ, nha sĩ và điều dưỡng các nước trong khu vực sẽ được đến đăng ký hành nghề tại Việt Nam và ngược lại, các bác sĩ, nha sĩ và điều dưỡng Việt Nam có thể đến các nước trong khu vực hành nghề nếu đáp ứng được những yêu cầu theo Thỏa thuận khung và yêu cầu của nước chủ nhà đưa ra.

Xoay quanh vấn đề này, PV Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế).

Thưa ông, tham gia vào Cộng đồng ASEAN, Bộ Y tế đã có những chuẩn bị như thế nào để đón đầu cơ hội cũng như hạn chế những rủi ro khi 3 ngành nghề là bác sĩ, nha sĩ và điều dưỡng được tự do di chuyển trong khối?

ThS. Nguyễn Minh Lợi: Để chuẩn bị cho sự kiện này, từ năm 2007, Bộ Y tế đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm từng bước thực hiện những nội dung trong Thỏa thuận khung.

Theo đó, Luật Khám, chữa bệnh (KCB) do Bộ Y tế xây dựng có hiệu lực từ 1/1/2011 đã quy định về cấp chứng chỉ hành nghề KCB tại Việt Nam - một bước tiến lớn về thể chế trong lĩnh vực KCB.

Và để Thỏa thuận khung trong ASEAN có tính khả thi, Bộ cũng đã xây dựng và ban hành chuẩn năng lực cơ bản của ngành bác sĩ đa khoa, điều dưỡng và hộ sinh; chuẩn bị ban hành chuẩn năng lực cơ bản đối với bác sĩ răng hàm mặt. Các chuẩn này dựa trên yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam, có tham khảo các chuẩn của khu vực và quốc tế. Đây là những tiêu chí cơ bản mà các bác sĩ và điều dưỡng phải đạt được khi hành nghề và là cơ sở để các cơ sở đào tạo xác định chuẩn đầu ra.

Vừa qua, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư liên tịch về tiêu chuẩn chức danh hạng viên chức y tế đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên. Theo đó, từ 1/1/2021, để trở thành viên chức điều dưỡng, hộ sinh hay kỹ thuật viên, người dự tuyển phải có trình độ tối thiểu là cao đẳng. Do vậy, lưu ý các bạn học sinh cân nhắc thật kỹ khi đăng ký vào học trung cấp các ngành ngành y sĩ, điều dưỡng, dược và kỹ thuật viên.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã đề xuất đổi mới mô hình đào tạo y khoa và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc. Hiện, Bộ đang cùng Bộ GD&ĐT hoàn thiện để sớm triển khai áp dụng.

Về chiến lược lâu dài, Bộ sẽ đề xuất phải chỉnh sửa, bổ sung một số vấn đề trong hệ thống thể chế hiện nay. Ví dụ, Luật KCB chưa quy định về thi chứng chỉ hành nghề. Hiện Bộ đang rà soát để đề nghị chỉnh sửa, bổ sung quy định này trong thời gian tới theo hướng cần phải có kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định (thông thường là 5 năm).

Vậy, tham gia vào Cộng đồng này, người bệnh Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì, thưa ông?

ThS. Nguyễn Minh Lợi: Khi các chuyên gia y tế có trình độ chuyên môn cao của các nước trong khu vực đến Việt Nam KCB, người bệnh sẽ được đội ngũ bác sĩ có tay nghề giỏi ngay tại Việt Nam chăm sóc thay vì phải ra nước ngoài điều trị với chi phí rất tốn kém và mất thời gian, đất nước cũng không bị “chảy máu ngoại tệ”.

Trong xu hướng kinh tế phát triển, dân số tăng, nhu cầu dịch vụ y tế tăng, Nhà nước chưa đáp ứng được hết nhu cầu ấy thì xu hướng xã hội hóa, trong đó có nguồn lực từ nước ngoài là tích cực. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với nhân lực của nước ta trước nguy cơ bác sĩ nước ngoài chiếm lĩnh thị trường.

Nếu ngược lại, những bác sĩ có tay nghề cao của Việt Nam chuyển sang lao động tại các nước khác thì ngành y tế có lo sẽ chảy máu chất xám không, thưa ông?

ThS. Nguyễn Minh Lợi: Hiện nay, các bác sĩ Việt Nam cũng đã ra nước ngoài làm việc nhiều, nhưng khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập thì diễn biến sẽ rộng và nhanh hơn.

Chảy máu chất xám là thách thức rất lớn, ngay cả trong nước hiện nay, có một số người có trình độ cao, họ không làm việc trong cơ quan y tế công lập mà ra mở cơ sở y tế ngoài công lập. Xu hướng này cũng là sự giao thoa về nhân lực và xu hướng tất yếu trong thời hội nhập. Vì vậy, chúng ta cần phải điều chỉnh chính sách đãi ngộ để thu hút người có trình độ.

Được biết, hiện nay, văn bằng bác sĩ ở Việt Nam chưa được các nước trong khu vực chấp thuận. Điều này sẽ gây khó khăn cho các bác sĩ Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc, thưa ông?

ThS. Nguyễn Minh Lợi: Về nguyên tắc, hiện nay, như xu hướng của thế giới, việc đào tạo để lấy văn bằng chỉ thể hiện trình độ đào tạo và đây chỉ là một trong các điều kiện để thi chứng chỉ hành nghề. Kỳ thi này được các nước tổ chức theo hình thức là các kỳ thi quốc gia và chứng chỉ hành nghề này sẽ được tái cấp trong vòng 5 năm. Đồng thời trong 5 năm đó, hằng năm vẫn phải có chứng chỉ cập nhật kiến thức về lĩnh vực của mình.

Như vậy, bác sĩ Việt Nam ra nước ngoài làm việc, văn bằng cũng chỉ là một tiêu chí. Họ vẫn phải thi và đạt được các tiêu chí khác của nước sở tại. Bác sĩ nước ngoài muốn vào Việt Nam cũng phải đạt các tiêu chí của Việt Nam để bảo đảm về chứng chỉ hành nghề, tiếng Việt, chuyên môn và nhiều tiêu chí khác. Hiện, Bộ Y tế đang giao cho ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược Huế và ĐH Y dược TPHCM là những đơn vị sát hạch người nước ngoài đến Việt Nam làm việc.

Tuy nhiên, để không gây khó khăn khi các bác sĩ Việt Nam ra nước ngoài làm việc, Bộ Y tế đang rà soát lại Luật KCB để đề nghị chỉnh sửa, bổ sung quy định thi chứng chỉ hành nghề như thông lệ quốc tế. Theo đó, cần phải có kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề có giá trị trong một thời gian nhất định.

Xin cảm ơn ông!

Theo Chinhphu.vn