Khi nào doanh nghiệp có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm?

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Công ty CP Điện máy Sài Gòn đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn giải quyết trợ cấp mất việc làm cho người lao động khi Công ty cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh.

Công ty CP Điện máy Sài Gòn được cổ phần hóa từ năm 2006 và Nhà nước nắm giữ 30% vốn điều lệ. Hiện nay, do nhu cầu tái cơ cấu lại ngành nghề hoạt động nên Công ty phải giải quyết mất việc làm cho một số người lao động.

Theo đó, đối với những người lao động làm việc tại Công ty trước khi cổ phần hóa, Công ty dự kiến giải quyết chế độ như sau: Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho khoảng thời gian trước khi cổ phần hóa, giải quyết trợ cấp mất việc làm cho khoảng thời gian từ cổ phần hóa đến 31/12/2008, còn thời gian lao động làm việc từ ngày 1/1/2009 về sau sẽ do quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả.

Đối với những người lao động làm việc tại Công ty từ sau ngày 1/1/2009, Công ty dự kiến giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với thời gian thử việc, thời gian ký hợp đồng lao động chính thức và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ do quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả.

Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp ít hơn thời gian làm việc chính thức kể từ ngày ký hợp đồng lao động đầu tiên với Công ty thì Công ty sẽ thanh toán trợ cấp mất việc làm cho khoảng thời gian không đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Công ty đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn phương án giải quyết hợp lý nhất.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động , Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật Lao động.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó, thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm cả thời gian thử việc.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 38 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên thì đối với doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước khi chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước và chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 1/1/1995 nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và chi trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động đã làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước trước đó.

Đối chiếu với nội dung nêu tại kiến nghị của Công ty CP Điện máy Sài Gòn, khi thay đổi cơ cấu, công nghệ mà công ty không thể bố trí được việc làm và phải chấm dứt hợp đồng lao động thì thực hiện như sau:

Đối với người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa trước ngày 1/1/1995 thì Công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm đối với thời gian làm việc tại Công ty cổ phần và trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc tại doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và thời gian làm việc khu vực Nhà nước trước đó (nếu có).

Đối với người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa từ ngày 1/1/1995 đến trước ngày chuyển thành công ty cổ phần thì Công ty có trách nhiệm giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm cho người lao động đối với thời gian người lao động làm việc tại công ty cổ phần và trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc tại doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa.

Đối với người lao động vào làm việc tại Công ty (sau khi cổ phần hóa) thì Công ty có trách nhiệm giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm cho người lao động đối với thời gian người lao động làm việc tại Công ty.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc quy định tại Điều 48, Điều 49 Bộ luật Lao động; Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH .

Đề nghị Công ty căn cứ vào các quy định nêu trên xác định thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc đối với người lao động theo đúng quy định pháp luật.

Theo Chinhphu.vn