“Khát” nhân lực công nghệ thông tin biết tiếng Nhật

Doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) biết tiếng Nhật, số lượng không giới hạn trong vòng 5-10 năm tới.

Thiếu gần 370.000 kỹ sư CNTT vào năm 2020

Tại Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2018 (Japan ICT Day) lần thứ 12 diễn ra cuối tuần qua, Bộ Kinh tế , Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, hiện nay, số lượng kỹ sư CNTT của Nhật Bản khoảng 920.000 người, thiếu 171.000 người so với nhu cầu và bắt đầu xu hướng giảm xuống. Dự báo đến năm 2020, Nhật Bản sẽ thiếu 369.000 kỹ sư CNTT. Con số này có thể tăng lên mức 789.000 vào năm 2030.

Theo METI, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại các doanh nghiệp Nhật mới chỉ có 1,9%, tuy nhiên, nhu cầu của Nhật Bản về công nghệ mới nổi như Internet of Things (IoT), Công nghệ Robot (Robotics), xe tự hành… đang tăng lên rất nhanh.


Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư CNTT của Nhật Bản rất lớn, là cơ hội cho lao động Việt Nam . (Ảnh minh họa)

Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư CNTT của Nhật Bản rất lớn, là cơ hội cho lao động Việt Nam . (Ảnh minh họa)

Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cho rằng, sự thiếu hụt cùng nhu cầu tăng cao về nhân lực công nghệ mới sẽ mở ra nhu cầu hợp tác rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian tới.

“Nhật Bản xác định Việt Nam là một trong những thị trường rất tiềm năng để đầu tư , cũng như thu hút nhân lực CNTT của Việt Nam đến làm việc tại Nhật Bản. Hiện Nhật Bản đã đầu tư 54 dự án thuộc lĩnh vực CNTT, chiếm 19,6% tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam và làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới”, ông Kitagawa cho biết.

Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản “khát” nhân lực CNTT, mà ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ, giải pháp, phần mềm cho Nhật Bản cũng cần một lượng lớn kỹ sư CNTT.

Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, Việt Nam có 20.000 nhân lực đang phục vụ thị trường Nhật Bản trong lĩnh vực gia công phần mềm (ITO) và gia công quy trình kinh doanh (BPO). FPT Software hiện có khoảng 1.000 nhân sự làm việc tại 5 văn phòng ở Nhật Bản và khoảng 5.000 nhân sự tại Việt Nam đang thực hiện các dự án cho khách hàng Nhật Bản. Riêng năm 2018, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng khối lượng công việc từ khách hàng Nhật Bản, FPT Software tuyển khoảng 2.000 nhân sự riêng cho thị trường này.

Tại Dự án P3.M35 của FPT Software hoạt động tại Nhật Bản đang có 400 nhân viên, nhưng sẽ tăng lên 800 người ngay trong tháng này và tiếp tục tăng nhanh khi dự án mở rộng. Từ nay đến năm 2020, FPT Japan đang tìm kiếm nguồn lực mới với quy mô phát triển gần 1.000 người.

“Nhật Bản thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực và nhu cầu nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật là không giới hạn trong vòng 5 đến 10 năm tới”, ông Lê Téc Nen, Giám đốc Dự án P3.M35 nhận xét.

Cơ hội cho kỹ sư CNTT Việt Nam

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực cùng cầu tăng cao về nhân lực công nghệ mới sẽ mở ra cơ hội hợp tác rất lớn cho doanh nghiệp hai nước. Việt Nam đang trở thành “đích ngắm” tuyển dụng của doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), nhân lực luôn là thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT. Theo chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) do OECD nghiên cứu, kết quả học tập của học sinh Việt Nam nằm trong Top 20 và đặc biệt giỏi về toán và khoa học. Đây chính là nền tảng cho giáo dục đại học về công nghệ. Hiện tại, Việt Nam có 290 trường đại học và cao đẳng đào tạo CNTT và có khoảng 55.000 sinh viên CNTT theo học hàng năm.

“Nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn và là tương lai của hợp tác CNTT giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới”, ông Hùng nhận xét.

Bà Junko Kawauchi, Phó chủ tịch Ban Hợp tác quốc tế của Hiệp hội Công nghiệp thông tin Nhật Bản (JISA) đánh giá, Việt Nam là một trong những nước có nguồn nhân lực CNTT dồi dào và chất lượng. Tại Nhật Bản, lượng kỹ sư CNTT Việt Nam làm việc chỉ chiếm 4% lượng kỹ sư nước ngoài (sau Trung Quốc 53% và Hàn Quốc 15%), nhưng đang có tốc độ tăng trưởng về số lượng cao nhất trong số các đối tác.

Hiện mức lương khởi điểm cho kỹ sư CNTT Việt Nam làm việc tại Nhật Bản là từ 2.500 - 4.000 USD/tháng, cao hơn nhiều so với mức lương 500 - 600 USD/tháng tại Việt Nam. Nhu cầu lớn, mức lương khá cao, nhưng số lượng kỹ sư được tuyển dụng hiện nay rất ít, chưa giải được “cơn khát” thiếu nhân lực.

Nguyên nhân là kỹ sư Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Theo thống kê của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, có tới 72% sinh viên ngành CNTT ra trường không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 80% lập trình viên phải đào tạo lại.

“Các công ty CNTT Nhật Bản ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác và chọn Việt Nam. Tuy nhiên, không nhiều những kỹ sư có đủ năng lực về chuyên môn cũng như biết tiếng Nhật để đáp ứng yêu cầu. Đây là một trong những lý do mà Việt Nam chưa trở thành thị trường số một của Nhật Bản”, một doanh nghiệp Nhật Bản cho biết.

Theo Báo Đầu Tư