1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Khách vơi quá nửa, tiểu thương các chợ "ngồi… ngáp cả ngày"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Thấm" những khó khăn, tác động sau đại dịch Covid-19, không ít tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM phản ánh việc buôn bán ế ẩm, sắp "cạn sức chống đỡ".

Trước bán 7 triệu đồng/ngày, giờ là tổng thu 1 tháng

"Bán ế nên giờ còn chưa về nhà nè" - chị L. (tiểu thương tại chợ Bà Chiểu, TPHCM) thở dài, nhìn thau cá còn đầy khi trời đã sập tối. Chị L. cho biết, tình trạng ế ẩm này đã kéo dài gần 2 năm nay, không ít tiểu thương rơi vào tình cảnh khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, các con đường đi qua chợ Bà Chiểu luôn tấp nập xe cộ qua lại nhưng rất ít người ghé vào chợ mua đồ như trước đây. 

Tại chợ Rạch Ông (quận 8, TPHCM), mỗi ngày cũng chỉ có lác đác vài người đến mua hàng. Không riêng gì các mặt hàng như quần áo, trang sức, kể cả các sạp rau củ, thực phẩm cũng rơi vào cảnh bán chậm.

Khách vơi quá nửa, tiểu thương các chợ ngồi… ngáp cả ngày - 1

Khung cảnh vắng vẻ tại Chợ Rạch Ông (Ảnh: Nguyễn Vy).

Khu vực sạp quần áo, tiểu thương giờ chỉ biết ngồi "buôn dưa lê" để giết thời gian, số lượng người bán còn nhiều hơn người đến mua.

Chị Út (45 tuổi, tiểu thương sạp quần áo tại chợ Rạch Ông) từng bán ở chợ từ năm 18 tuổi, khi chợ vẫn chưa xây sạp khang trang như hiện tại. Gần 30 năm bám chợ, chị Út chưa từng chứng kiến cảnh ế ẩm kéo dài như vậy. Cả ngày, chị chỉ mong có người đến mở hàng, rồi hầu hết là ngồi… ngáp, chờ khách.

"Giờ đã chiều tối rồi mà mới bán được có 2 bộ đồ, lãi được 20.000 đồng. Vì quần áo sạp tôi đa phần bán cho công nhân mà bây giờ người mất việc, giảm lương nhiều, còn bán mua được cho ai", chị Út thở dài.

Khách vơi quá nửa, tiểu thương các chợ ngồi… ngáp cả ngày - 2

Chị Út cho biết, tình hình kinh doanh sau dịch Covid-19 và Tết 2023 rất khó khăn (Ảnh: Nguyễn Vy).

Trước đây, mỗi ngày chị vừa làm vừa chơi cũng có thể kiếm được 7-8 triệu đồng. Tuy vậy, gần hai năm trở lại đây, 7 triệu đồng là thu nhập cả tháng. Số tiền này chị Út chỉ đủ lo chi phí ăn uống qua loa của cả nhà.

"Chồng tôi phụ đầu này đầu kia, cũng phải chăm sóc con nữa nên thời gian hầu như không có", chị Út nói.

Mà theo tiểu thương này, ở chợ, chị chỉ thuộc diện "hơi khó khăn" đã mua sạp từ trước, không cần đóng tiền thuê hàng tháng vì không cần đóng tiền thuê sạp, bởi đây là sạp do chị mua. Những hộ kinh doanh mới, phải trả tiền thuê sạp khoảng 4 triệu đồng/tháng, chưa kèm các chi phí phát sinh. Tình hình buôn bán như vậy việc duy trì kinh doanh cũng khó khăn, bấp bênh hơn.

Tương tự, chị P.C. (tiểu thương sạp vải) cũng thừa nhận tình trạng ế ẩm chung của các tiểu thương. Chị C. cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán được chỉ vài cây vải, giảm khoảng 50% so với mọi năm.

"Mà giờ người ta mua hàng online nhiều, chợ ế cũng là tình hình chung, không phải riêng gì quần áo hay vải mà thực phẩm cũng vậy", chị C. nói.

Gồng gánh mỗi ngày

Cô Hà (50 tuổi, tiểu thương bán rau củ tại chợ Rạch Ông) cũng thở dài, mấy chục năm ngồi chợ, chưa khi nào ế như thời điểm này. Trước đây, mỗi ngày cô Hà có thể kiếm khoảng 2 triệu đồng, giờ doanh thu giảm một nửa, dù rau củ, thực phẩm rõ ràng là một mặt hàng thiết yếu.

Gồng gánh chi phí một sạp rau củ như vậy, thời điểm này gần như việc buôn bán không lời lãi.

Khách vơi quá nửa, tiểu thương các chợ ngồi… ngáp cả ngày - 3

Kinh doanh rau củ nên phần lãi không nhiều, cô Hà phải gồng gánh từng ngày để duy trì việc kinh doanh (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Ráng gồng gánh thôi, mượn đầu này bù vào đầu kia. Giờ chúng tôi nợ ngân hàng quá trời. Tình trạng ế từ lúc dịch bệnh đến giờ, nay thì người mất việc đang tăng, ngay cả chi phí ăn uống, sinh hoạt cũng phải chắt bóp, tiết kiệm hơn", cô Hà bộc bạch.

Tiểu thương tại An Đông Plaza chị Cẩm Nhung cũng thảng thốt, đây vốn dĩ là chợ thời trang lớn nhất TPHCM, bình thường luôn tấp nập người ra vào, tất bật cảnh bốc xếp, xuất nhập hàng. Vậy mà giờ đây, hầu hết tiểu thương mỗi ngày chỉ ngồi ngóng khách tới mua. Các đơn hàng sỉ, lẻ đều giảm. Trước đây chị Nhung có thể bán được hơn 300 đôi giày, dép/ngày, giờ đây chỉ còn vỏn vẹn 30-40 đôi/ngày.

Thời điểm đầu khi vừa kinh doanh ở An Đông Plaza, giá thuê sạp khá rẻ. Sau này giá thuê tăng cao, chị cố gắng lắm mới gồng gánh nổi. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, tiểu thương đành "bó tay", không trụ nổi với mức giá thuê đó nữa.

Khách vơi quá nửa, tiểu thương các chợ ngồi… ngáp cả ngày - 4

Giờ tan tầm mà các sạp hàng vẫn đầy ắp, vắng bóng khách (Ảnh: Nguyễn Vy).

Lần gần đây nhất, sau khi nghe thông báo sạp thuê sẽ tăng 25%, các tiểu thương tại đây đã đồng loạt đóng sạp, treo biển phản đối và kiến nghị mong được xem xét giảm giá thuê. Chị Nhung cho biết, sau khoảng vài ngày, đại diện chợ cũng đã đồng ý giảm tiền.

Trái ngược với ý kiến của các tiểu thương, Phó Chủ tịch UBND phường 2, quận 8 Tăng Xuân Phong cho biết, theo số liệu ghi nhận từ ban quản lý chợ, sức mua ở chợ Rạch Ông vẫn ổn, có dấu hiệu phục hồi tốt sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo Phong thông tin, chợ Rạch Ông không chỉ phục vụ cho địa bàn quận 8, mà còn địa bàn quận 7, quận 5,…

"Các chính sách hỗ trợ sau dịch, các tiểu thương cũng đã được hưởng. Phường cũng phối hợp với phòng kinh tế để kiểm tra giá niêm yết, tạo cơ hội để tiểu thương phục hồi buôn bán sau dịch bệnh. Hàng năm, phường vẫn tổ chức các hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, ngân hàng trên địa bàn để hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay, phát triển kinh doanh", vị này nói.