Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng: Mất cân đối

Sự phát triển nhanh của ngành du lịch Đà Nẵng dẫn đến mất cân bằng trong đào tạo hướng dẫn viên, làm nảy sinh trình trạng bên thừa, bên thiếu.

Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách các tài liệu chứng minh Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam
Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách các tài liệu chứng minh Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm, thành phố này đón hơn 3 triệu lượt khách. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của du lịch Đà Nẵng dẫn đến trình trạng thiếu hụt lực lượng hướng dẫn viên.

Những năm gần đây, du khách từ các nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến với thành phố Đà Nẵng ngày càng đông. Trung bình mỗi năm, thành phố này đón khoảng 800 ngàn lượt khách quốc tế, trong đó một nửa là khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Sự tăng trưởng này đã mở nhiều ra cơ hội cho các hướng dẫn viên.

Thành phố Đà Nẵng hiện có gần 1.600 hướng dẫn viên được cấp thẻ hành nghề, trong đó gần 900 hướng dẫn viên quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của ngành du lịch dẫn đến mất cân bằng trong đào tạo hướng dẫn viên, làm nảy sinh trình trạng bên thừa, bên thiếu. Thành phố hiện rất thiếu những hướng dẫn viên cho các du khách Nhật Bản, Nga.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng (Vitour) cho biết: “Qua thời gian ngắn phát triển, du lịch Đà Nẵng trở thành điểm sáng du lịch cả nước cũng như trong khu vực.
 
Theo đó đội ngũ hướng dẫn viên cũng phát triển không ngừng cả số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên thị trường khách phát triển nhanh quá nên hướng dẫn viên Đà Nẵng mặc dù đã phát triển mạnh tuy nhiên nó vẫn còn hạn chế. Ví dụ một số tiếng hiếm thiếu hoàn toàn, hay là 1 số thị trường tiềm năng gần đây đến ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay là Nga thì chúng ta vẫn đang thiếu”.

Thực tế mất cân bằng trong đội ngũ hướng dẫn viên đã và đang gây nhiều trở ngại cho ngành du lịch thành phố Đà Nẵng. Nguyên nhân chính thực trạng này là chưa xây dựng được một chiến lược phát triển thị trường mang tính bền vững, lâu dài.

Ông Trần Trí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay thành phố Đà Nẵng đã thành lập Câu lạc bộ hướng dẫn viên. Đó cũng là 1 nơi tập hợp các hướng dẫn viên lại, qua đó có sự trao đổi, giao lưu kinh nghiệm hướng dẫn giữa lớp hướng dẫn viên lớn tuổi và các bạn trẻ mới ra trường để các bạn có thể trao đổi những kỹ năng.

Đối với 1 số thị trường hướng dẫn viên đang thiếu thì chúng tôi cũng đã phối hợp với các trường Đại học ngoại ngữ, các cơ sở đào tạo làm sao đưa được thông tin cũng như huấn luyện được các hướng dẫn viên khi ra trường có thể đảm bảo cả kỹ năng cũng như kiến thức chuyên môn”.
Theo VOV.VN