Hưng Yên: Trăn trở nỗi lo giữ lửa ở làng đan đó Thủ Sỹ

Nghề đan đó đã trở thành nếp sống của nhiều gia đình ở xã Thủ Sỹ, Tiên Lữ, Hưng Yên. Những con người lớn lên giữa làng văn hóa truyền thống mang cả tâm huyết và tình yêu cuộc sống vào nghề. Tuy nhiên, ngày nay cách đánh bắt cá, tôm thay đổi nên ngư cụ này không còn được sử dụng rộng rãi và đang dần bị quên lãng, kéo theo nỗi lo của nhiều người…

Cần cù với từng sợi đan

Chúng tôi đến thăm làng vào buổi sáng hè nắng vàng. Thủ Sỹ hiện ra với một làng quê đậm chất Bắc bộ bởi mọi nét quê còn in hằn nơi đây. Nét hiện đại của làng là một vài nhà cao tầng mọc lên nhưng tổng thể vẫn giữ vẻ xưa cũ.

Vẫn những mái ngói thâm nâu ẩn hiện dưới những lũy tre xanh hiền hòa. Người dân vẫn một nắng hai sương với ruộng đồng. Những bậc cao niên trong làng khi nhắc đến nghề đan đó đều hồ hởi nói về cái thời cả làng quanh năm rộn ràng tiếng chẻ tre đan đó vui như hội.

Nghề đan đó hình thành ở Thủ Sỹ không rõ tự bao giờ, chỉ biết rằng người dân nơi đây ai cũng biết làm nghề. Từng có thời, ở Thủ Sỹ nhà nhà cùng đan đó, nhất là vào mùa nông nhàn, cả làng vào “chiến dịch” đan đó. Tiếng chẻ tre rộn làng nghe rào rào như mưa. Các cụ cao niên trong làng cho biết, thời hoàng kim, đan đó đem lại 50% thu nhập cho người dân. Vào đến cổng làng, nhà ai cũng thấy đó đứng, đố ngồi, nằm, rồi đăng, đáy... giăng la liệt.

Ngày nay, số người làm đó tuy giảm nhưng nơi đây vẫn giữ nghề truyền thống bởi vẫn còn có những nông dân nhiệt huyết với nghề. Tuy không phát triển mạnh nhưng nghề đan đó, rọ vẫn mang lại niềm vui và là nguồn thu nhập chính cho những lao động lớn tuổi ở làng.


Các cụ già trong làng vẫn giữ nghề đan đó dù thu nhập không cao. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Các cụ già trong làng vẫn giữ nghề đan đó dù thu nhập không cao. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Ông Lương Sơn Bạc, người đã gắn bó cả đời với nghề đan đó chia sẻ: “Nghề đan đó có từ xa xưa rồi, có đủ chủng loại, đó ngồi, đó nằm, đó một cửa bắt cá dưới lên, đó hai cửa bắt cá hai đầu… Ngày trước, cả làng làm nghề, nhà nào cũng ăn nên làm ra”.

Theo ông Bạc, nghề này đòi hỏi tính kiên trì, khéo léo và tỉ mẩn. Trong các loại đó bắt cá thì chỉ có lừ bóng và đó ngồi hai cửa là khó nhất. Lừ bóng chủ yếu bắt các loại cá rô, diếc, thia, cấn, chù. Loại này phải dùng trúc đúng độ tuổi vừa cứng, vừa dẻo dai, bởi nan nhỏ như chiếc tăm.

Loại đó hai cửa phải trải qua nhiều khâu: Chọn tre giao lóng, đúng độ tuổi, ra nan phải đều đẹp, bó từng bó dùng chân đạp làm cho nan tròn, sạch, mịn, dóc “chân rít” thành mê để đan, kết tràng (thắt lưng, cổ vai, bụng), cuối cùng vào đáy lên vành và xoáy đầu lên lưng.

Hầu như chiếc đó nào cũng phải qua các khâu như vậy, nhưng loại hai đầu làm đáy khó hơn, nếu sai kỹ thuật sẽ bị dẹo đó ngay. Còn các loại đó nằm, nơm, đăng, đáy thì làm đơn giản hơn. Những chiếc đó khi hoàn thiện sẽ được đem hong trên gác bếp, làm tăng độ bền cho sản phẩm.

Đó Thủ Sỹ làm xong được khách các nơi về mua nhiều, nhưng chủ yếu là các hộ gia đình đưa đi khắp các chợ quê trong và ngoài huyện để bán. Nhờ nghề đan đó mà những năm mất mùa đói kém, làng Thủ Sỹ vẫn no đủ. Nghề đan đó không giàu nhưng cho thu nhập ổn định và đồng đều, từng bước tạo nên thương hiệu đó, rọ Thủ Sỹ.

Nỗi niềm làng đó

Làng đó Thủ Sỹ hưng thịnh một thời, giờ chỉ còn trong lời kể và ký ức của các bậc cao niên. Hiện nay, chỉ còn vài trăm hộ níu giữ nghề truyền thống. Chị Nguyễn Thị Hồ, thợ làm đó ở làng tâm sự: “Trước đây nhờ nghề đan đó mà Thủ Sỹ phát triển mạnh, nhưng khoảng chục năm trở lại, nghề này không ăn thua nữa. Người mua đó không còn, các gia đình cũng ngậm ngùi đành bỏ nghề đã từng nuôi sống cả gia đình mình, chỉ còn các cụ cao tuổi say nghề lắm nên vẫn túc tắc bám nghề”.

Nói về nguyên nhân mai một nghề truyền thống, những người dân nơi đây cho biết, đồng ruộng ngày một thu hẹp để xây dựng các công trình, nhà ở, nguồn cá tôm khan hiếm, đồng thời cá tôm không sinh sản kịp khi bị các loại kích điện, lưới bát quái đánh bắt và tác động của sự ô nhiễm môi trường như thuốc trừ sâu, rác thải công nghiệp. Tiếp đến nguyên liệu làm đó ngày càng thiếu, tre nứa hầu hết đều bị chặt đi để thay vào đó những loại cây trồng mới. Người dân nơi đây muốn đan đó phải đặt mua nguyên liệu từ các tỉnh miền núi.

Các cụ trong làng thở dài: “Còn cá tôm thì còn nghề đan đó, nhưng cá tôm bây giờ cũng cạn kiệt nên nghề đó lắt lay. Làng chủ yếu làm nông nên khi không còn nghề phụ thì cuộc sống bấp bênh. Nhiều thanh niên nam nữ lớn lên đi làm các khu công nghiệp kiếm sống. Còn thế hệ già chúng tôi đang tìm cách giữ lửa nghề của cha ông để lại”.

Làng đó Thủ Sỹ hiện nay chỉ là tiếng vọng của một thời đã qua, nó đã bị mai một và có nguy cơ thất truyền. Ngày nay cách đánh bắt cá tôm đã thay đổi nên ngư cụ này không còn được sử dụng rộng rãi và đang dần bị quên lãng. May mắn thay, trong làng vẫn còn các cụ say mê bảo tồn nghề đan đó truyền thống như giữ gìn một ký ức đẹp.

Thời du lịch và giải trí lên ngôi, dân Thủ Sỹ bán đó cho các nhà hàng, quán cà phê làm đèn trang trí. Bởi vậy, trên những nẻo đường quê, thỉnh thoảng ta lại bắt gặp một vài chiếc xe đạp thồ đó của làng với tiếng rao vọng giữa làng quê, nghe thật bồi hồi…

Theo Báo Pháp luật VN