Tìm hướng đi cho làng nghề: Lực bất tòng tâm, khó khăn trăm bề?

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam: Hiệp hội cũng đã có nhiều giải pháp trợ giúp làng nghề, nhưng “lực bất tòng tâm”.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay nước ta có khoảng hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ khoảng 1700, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Có nhiều làng nghề tồn tại từ 500-1.000 năm lại đây, trở thành làng nghề tiêu biểu được cả nước và thế giới biết đến như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu, gỗ Sơn Đồng, Ý Yên…

Làng nghề là nơi thu hút nhiều lao động, nhất là giai đoạn các năm 2004-2005 với khoảng 13 triệu người, trong đó 35% là lao động thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ và nông nhàn, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho đông đảo người dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động trong nông nghiệp từ 2-3 lần.

Làng nghề phát triển manh mún, nhỏ lẻ

Tuy nhiên, theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, sự phát triển của các làng nghề hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, yếu kém. Trước hết là chất lượng sản phẩm, hàng hóa của làng nghề còn thấp, mẫu mã thường đơn điệu, chậm thay đổi, thiếu tinh xảo, do đó sức cạnh tranh kém. Làng nghề đang thực hiện nhiều giải pháp và nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, nhưng gặp nhiều khó khăn, nhất là tiếp cận vay vốn, ứng dụng KHCN, lại chịu nhiều thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn trong kinh doanh.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam
Là một huyện có nhiều nghề và nhiều làng nghề, tính đến năm 2014, Phú Xuyên có gần 100% làng có nghề (138/138 làng toàn huyện đạt tiêu chí làng nghề của Chính phủ), trong đó 39 làng nghề được công nhận làng nghề theo tiêu chuẩn của Thành phố với nhiều nhóm nghề như sơn mài, khảm trai Chuyên Mỹ có từ thế kỷ 11, thủy tổ của nghề khảm trai Việt Nam; nghề nặn tò he có trên 300 năm, may comple xã Vân Từ có trên 100 năm… nhiều sản phẩm truyền thống của làng nghề phát triển khá, có thị trường tiêu thụ rộng trong nước và xuất khẩu sang một số nước châu Âu, Mỹ, Nhật….

Ông Trương Thế Cầu, nguyên Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên, Hà Nội- cũng thừa nhận, làng nghề Phú Xuyên đang gặp một số khó khăn, sản phẩm làng nghề còn manh mún, nhỏ lẻ, theo quy mô gia đình, chưa phát triển nhiều tổ chức kinh tế làng nghề. Mẫu mã hàng hóa thì đơn điệu, tính thẩm mỹ của một số sản phẩm chưa cao.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan, Chủ tịch Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn Chạm Bạc Đồng Xâm, Đồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình cũng trăn trở, với bề dày lịch sử gần 600 năm tuổi, làng nghề Đồng Xâm cũng đang đứng nguy cơ mai một. Một trong những nguyên nhân cơ bản là việc dạy nghề, truyền nghề theo kiểu gia đình, cha truyền con nối là chủ yếu, chưa có điều kiện hình thành các lớp dạy tập trung cho thợ trẻ nên trình độ không đồng đều, những kỹ xảo, tinh hoa độc đáo, bí truyền dễ bị mai một.

Đây lại là mặt hàng lưu niệm, không phải hàng sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nên tiếp cận thị trường khó khăn, đơn đặt hàng không đều, dẫn đến việc không chủ động trong sản xuất.

Cùng với đó, nguồn vốn mỏng, chủ yếu là huy động các xã viên, ít được các ưu đãi vay vốn do đó sản xuất manh mún. Tình trạng manh mún, nhỏ lẻ này cũng dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ, hội sản xuất với nhau.

Sản phẩm: Yếu tố “sống còn” của làng nghề

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hiện nay cũng là do việc liên kết giữa các cơ sở, các làng nghề còn hạn chế. Nhiều hộ gia đình rất ít trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong các hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ. Do đó, sản phẩm chậm được cải tiến, sức cạnh tranh yếu kém, thu nhập thấp kéo dài.

“Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để trợ giúp làng nghề và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, “lực bất tòng tâm”, khó khăn nhiều bề, vốn liếng ít, do vậy rất cần sự trợ giúp của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và của MTTQ Việt Nam”- ông Dần nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đi khảo sát làng nghề ở Nam Định
Ông Nguyễn Thiện Nhân đi khảo sát làng nghề ở Nam Định
Ông Dần cho rằng, các cơ sở làng nghề nước ta, trên 80% là hộ gia đình cùng với tổ sản xuất, hợp tác xã và các doanh nghiệp thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, là kinh tế cá thể thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Do đó trong quá trình cải cách thể chế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cần có những giải pháp phù hợp từ Đảng, Nhà nước, MTTQ VN và các Bộ, ban, ngành.

Trong đó cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững, như: tiếp cận vốn tín dụng, giảm thiểu các thủ tục, tăng cường vay vốn tín chấp do hội làng nghề bảo lãnh và giảm lãi suất.

Theo ông Dần, sự phát triển bền vững của các làng nghề sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, về kinh tế, văn hóa-xã hội, phát triển có hiệu quả tính gắn kết cộng đồng cao.

“Sản phẩm là yếu tố mang tính sống còn của các làng nghề. Do vậy cần phải tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã và hình thức đẹp mắt, thu hút được người tiêu dùng. Để làm được điều này, thì phải thường xuyên đầu tư hiện đại hóa công nghệ, cải tiến phương pháp sản xuất, trau dồi tay nghề cho người lao động”- ông Dần nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định: “chúng ta không sống ở nền kinh tế làng xã nữa, mà là kinh tế thị trường, đặc biệt là gắn với hội nhập quốc tế. Nhiều sản phẩm của Việt Nam lại được cung cấp bởi người nước ngoài. Làng nghề muốn sống được thì phải đáp ứng những yêu cầu căn bản là chất lượng ngày càng nâng cao, chi phí giảm, mẫu mã phong phú và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng không chỉ cả số đông mà cả số ít”.
Theo vov.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm