Cà Mau:

Giảm nghèo: Cần chú trọng đối tượng có nguy cơ rơi xuống hộ nghèo

(Dân trí) - UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, về đối tượng ưu tiên cần mở rộng thêm những đối tượng có nguy cơ cao rơi xuống bộ nghèo.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện chương trình là hơn 312 tỷ đồng. 

Hàng loạt dự án của chương trình đã được Cà Mau triển khai, như: Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng xã bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở;...

Giảm nghèo: Cần chú trọng đối tượng có nguy cơ rơi xuống hộ nghèo - 1

Đồng hành cùng địa phương, bạn đọc Dân trí hỗ trợ một gia đình nghèo ở Cà Mau.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua 4 năm triển khai, chương trình đã góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo chung trên địa bàn tỉnh. Nếu như đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) là 9,94%, thì đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,52% (bình quân giảm 1,9%/năm).

Tuy nhiên, UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ ra nhiều hạn chế, như một số chính sách ban hành còn mang tính ngắn hạn, tình thế nên chưa tập trung đúng mức vào giải quyết căn nguyên của nghèo; có quá nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ dân nên chưa tạo được ý thức chủ động của người nghèo, còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại.

Giảm nghèo nhanh, thiếu bền vững, khi hộ đã thoát nghèo nhưng chất lượng cuộc sống còn khó khăn; sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng về phân phối thu nhập và mức sống giữa các vùng, các tầng lớp dân cư còn lớn và có xu hướng tăng.

Ngoài ra, những rủi ro bất khả kháng như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tiêu cực của nền kinh tế thị trường... là những yếu tố tác động làm tăng nguy cơ tái nghèo.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu mà tỉnh Cà Mau đưa ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 1% - 1,5% (theo chuẩn nghèo từng giai đoạn).

Dự kiến tổng nhu cầu vốn để thực hiện chương trình là trên 540 tỷ đồng (từ ngân sách nhà nước, vốn vay tín dụng, vốn huy động từ người dân và cộng đồng... ).

UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, hiện nay, đối tượng của chương trình giảm nghèo còn chưa phù hợp, chỉ mới tập trung vào hộ nghèo mà chưa chú trọng nhiều đến những đối tượng có nguy cơ cao rơi xuống hộ nghèo, như: Hộ cận nghèo, hộ nghèo mới thoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn mới di cư đến địa phương.

Tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ tăng cường và bố trí nguồn vốn cho các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Cà Mau; tập trung nguồn lực và đầu mối cho chương trình, tránh dàn trải, phân tán dẫn đến hiệu quả không cao.

Tỉnh kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng các văn bản chỉ đạo đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo, để làm cơ sở cho địa phương dễ thực hiện, cũng như cần quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác tham mưu thực hiện chương trình này.

Huỳnh Hải