1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hơn 48 % nguồn việc làm dành cho phụ nữ

(Dân trí) - Tỉ lệ có việc làm của phụ nữ Việt Nam trong tổng số lao động có việc làm được duy trì ở mức trên 48%. Việc đảm bảo bình đẳng về giới tại nơi làm việc giúp phụ nữ nâng cao vị thế trong đời sống, kinh tế và xã hội.

Ngày 22/10, tại Hà Nội, Cuộc đối thoại ASEAN - EU về bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ và trẻ em gái đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ LĐ-TB&XH. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần 3 vào ngày 25/10 tại Hà Nội

Tham dự tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, cuộc đối thoại này nhằm tập trung vào chủ đề “Thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 5: Bình đẳng giới tại nơi làm việc”. Theo đó, bình đẳng giới tại nơi làm việc đã và đang là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quyền về kinh tế, tiền đề nâng cao vị thế của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.


Bên lề Hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm phát triển việc làm cho phụ nữ.

Bên lề Hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm phát triển việc làm cho phụ nữ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam: “Nhận thức rõ điều này, Việt Nam đã xây dựng những khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ về kinh tế thông qua các mô hình, hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc”.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tới nay, khoảng 50% lao động nữ được học nghề từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỉ lệ có việc làm của phụ nữ trong tổng số lao động có việc làm được duy trì ở mức trên 48%.

Nhiều địa phương xây dựng được Quỹ “Phụ nữ khởi nghiệp” và có tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 30%. Nhiều cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất có mô hình nhà trẻ. Nhờ đó, vấn đề bình đẳng giới trong lao động, việc làm ngày càng được cải thiện đáng kể, tăng cường bình đẳng giới thực chất về quyền và cơ hội giữa nam và nữ.

Cũng tại Hội nghị, nhiều diễn giả đã đồng quan điểm về tác dụng của bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Theo ông Kung Phúc, Phó Tổng thư ký Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN, cộng đồng ASEAN cam kết đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái được đánh giá rất quan trọng và đã được thể hiện trong Tầm nhìn ASEAN 2025 và các văn kiện trọng yếu của ASEAN.

Điều này còn được minh chứng bởi những kết quả triển khai trong năm 2017 của Hiệp hội, qua đó thể hiện sự thành công của ASEAN trong việc tôn vinh phụ nữ và trẻ em gái.

Theo ông Geiger Henriette, Giám đốc về nhân dân và hòa bình, Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Hợp tác và phát triển quốc tế, Ủy ban Châu Âu: “Bình đẳng giữa nam và nữ là một trong những giá trị cơ bản của Ủy ban Châu Âu được nêu rõ trong các Hiệp định của EU. Liên minh Châu Âu thúc đẩy bình đẳng giới trong phạm vi lãnh thổ của mình cũng như trong quan hệ với các nước đối tác, đặc biệt là trong các hoạt động hợp tác phát triển”.

Phúc Thanh