Hơn 2.000 nạn nhân thương vong vì bom, mìn tồn sót trong 5 năm

(Dân trí) - “Việt Nam đã trải qua hàng chục năm chiến tranh với số lượng bom, đạn được sử dụng lên tới nhiều triệu tấn. Thống kê từ năm 2010-2014, cả nước có hơn 2.000 nạn nhân chết và bị thương vì bom mìn. Diện tích đất bị ô nhiễm do bom mìn cũng tới hơn 6,1 ha”.


Hơn 6,1 triệu ha đất tại Việt Nam bị ô nhiễm bom mìn tồn sót.

Hơn 6,1 triệu ha đất tại Việt Nam bị ô nhiễm bom mìn tồn sót.

Ông Đặng Văn Đồng - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC, Bộ Quốc Phòng) trao đổi với PV Dân trí tại Hội nghị về thúc đẩy hợp tác quốc tế hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng bom mìn và chất độc hoá học sau chiến tranh tại Việt Nam.

Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức sáng 23/11 tại Hà Nội.

Thưa ông, chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nhưng hậu quả do bom mìn và vật liệu nổ còn ảnh hưởng tới ngày nay. Tho thoảng, chúng ta vẫn thường nghe về những vụ nổ gây chết người hoặc bị thương ở đâu đó?

- Đúng vậy, bom mìn còn sót lại trong chiến tranh luôn để lại những hậu quả khốc liệt trong cuộc sống hiện nay. Đơn cử như vụ nổ ở Cà Mau hôm 1/10, đã làm 3 người tử vong và 1 người bị thương nặng. Đây chỉ là một trong số hàng ngàn vụ nổ do bom mìn còn sót lại thời gian gần đây.

Thống kê được công bố trong năm 2018 của Dự án điều tra khảo sát và lập bản đồ ô nhiễm bom mìn (Bộ Quốc Phòng), số bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh phát nổ có tới hàng ngàn vụ, gây ra thương vong cho gần 2.000 nạn nhân tính riêng trong giai đoạn 2010-2014.

Các nạn nhân của bom mìn còn sót lại chủ yếu tập trung ở 6 tỉnh miền Trung và một số tỉnh Tây Nguyên.

dong

Ông Đặng Văn Đồng - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam

Thông qua kết quả điều tra xã hội học của dự án cho thấy, 63 tỉnh, thành đều có vùng vị ô nhiễm bom mìn với mức độ khác nhau. Các vùng tập trung chủ yếu là miền Trung và Tây Nguyên. Tình trạng ô nhiễm bom mìn còn trải dài trên 6 triệu ha đất, chiếm khoảng 19 % diện tích cả nước.

Đánh giá của VNMAC cho thấy tai nạn thương tích do bom mìn tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng nào và những hỗ trợ ban đầu ra sau, thưa ông?

- Thống kê của chúng tôi cho thấy, nạn nhân của bom mìn còn sót sau chiến tranh chủ yếu tập trung ở 3 nhóm đối tượng.

Đứng đầu là trẻ em, học sinh dưới 16 tuổi. Đây là đối tượng trẻ tuổi khá năng động và nghịch ngợm.

Nhóm tiếp theo là những người làm nghề thu gom, kinh doanh và cưa, đục phế liệu bom mìn để lấy thuốc nổ để bán. Nhóm cuối cùng là những bà con ở vùng sâu, vùng xa đi phát nương rẫy dễ gặp bom mìn.

Trong điều kiện còn khó khăn, Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã chủ trương hỗ trợ ban đầu tới gia đình nạn nhân bom mìn với mức 3.000.000 đồng/người bị thương và 5 triệu đồng/người tử vong.

Ngoài ra, Quỹ còn hỗ trợ sinh kế cho gia đình đối tượng nạn nhân với mức 12.000.000 đồng/nạn nhân. Nguồn kinh phí chủ yếu dựa trên sự kêu gọi các tấm lòng hảo tâm trong xã hội.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới công tác hỗ trợ nạn nhân, nhưng nguồn lực cho công tác còn hạn chế. Bởi vậy, việc kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế cho công tác hỗ trợ nạn nhân là cần thiết.

Vậy, những giải pháp phòng chống bom mìn còn sót lại trong thời gian qua ra sao, thưa ông?

- Thực hiện chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, VNMAC đã kết hợp với nhiều cơ quan chức năng để triển khai công tác với các nội dung, như: Rà phá bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại, làm sạch diện tích đất, hỗ trợ nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn, tuyên truyền phòng tránh bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại, vận động các nguồn lực quốc tế…

Trong đó, công tác rà phá bom mìn khá tốn kém, đòi hỏi nhiều nhân lực và thời gian. Vì vậy trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi ưu tiên việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn.

Đặc biệt, việc tuyên truyền được chú trọng tới các khu vực bị ô nhiễm nặng, khu vực mà người dân ít được tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài việc tuyên truyền bằng trực quan, như trưng bày hiện vật, tranh ảnh về hiểm hoạ bom mình, chúng tôi còn tăng cường tuyên truyền lưu động bằng hệ thống loa phóng thanh, sân khấu hoá các nội dung tuyên truyền, sản xuất các phim và trình chiếu lưu động…

Việc tuyên tuyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, phần nào giúp họ phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Từ 1975 tới nay, bom mìn còn sót gây thương tích cho hơn 100.000 người

Theo ông Lưu Hồng Sơn, Phó Chánh Văn Phòng Bộ LĐ-TB&XH: Từ năm 1975 tới nay, bom mìn còn tồn sót đã làm hơn 40.000 người tử vong, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Cả nước có 15 tỉnh, thành hàng đầu có tỉ lệ đất bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ là: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Bình Phước, Quảng Nam, Bình Định, Đà Nẵng, Tây Nin, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Dương, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Hoàng Mạnh