Lạng Sơn:

Hơn 15.300 lao động tự do trong diện nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng

(Dân trí) - “Lạng Sơn là tỉnh biên giới và có nhiều cửa khẩu, thu hút lao động tự do ở các tỉnh khác tới tìm việc. Do đó, việc rà soát, lên danh sách nhóm lao động tự do sẽ gặp không ít khó khăn...”.

Ông Dương Xuân Huyền đánh giá việc chi hỗ trợ người dân gặp khó do Covid-19

Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết về công tác triển khai thực hiện giai đoạn 2 về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Hơn 15.300 lao động trong diện xem xét

Trước đó, từ 29/4-5/5, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai giai đoạn 1 trong việc rà soát, hỗ trợ nhóm đối tượng đã có danh sách từ trước, gồm: Người có công với cách mạng, hộ nghèo và cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

“Vào giai đoạn 2, tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát, lên danh sách và công khai tại địa phương. Dự kiến từ 20/5, tỉnh sẽ triển khai chi trả tới các nhóm lao động còn lại và hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng” - ông Dương Xuân Huyên cho biết.

Nhằm tránh trùng lắp và trục lợi chính sách, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc thực hiện cần bám sát đúng các hướng dẫn về điều kiện thụ hưởng của người lao động, đặc biệt là nhóm lao động tự do.

Hơn 15.300 lao động tự do trong diện nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng - 1
Ông Dương Xuân Huyên phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH, chiều 15/5.

Ông Dương Xuân Huyên cho biết: “Tỉnh Lạng Sơn có nhiều cửa khẩu, thu hút đông lao động tự do các tỉnh về đây làm việc. Tỉnh đã chỉ đạo việc lập danh sách, rà soát và yêu cầu phải có xác nhận của địa phương nơi đăng ký hộ khẩu về việc chưa nhận hỗ trợ. Sau đó, tỉnh mới xem xét việc chi hỗ trợ...”.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn, tới ngày 12/5, toàn tỉnh có 19.378 đối tượng thuộc nhóm các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm…

Trong đó, số lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc trên địa bàn là 15.316 người.

11 doanh nghiệp được dừng đóng BHXH

Về việc hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu triển khai thực hiện.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị xác nhận lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Hơn 15.300 lao động tự do trong diện nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng - 2

Người lao động trong diện nhận hỗ trợ (bên trái, ngoài cùng) từ gói 62.000 tỷ đồng trao đổi với cán bộ Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn đã xác nhận cho 11 doanh nghiệp đủ điều kiện. Các trường hợp còn lại không đủ điều kiện do các nguyên nhân, như: Người lao động nghỉ việc không phù hợp, số lao động nghỉ việc không đảm bảo theo quy định...

Toàn tỉnh hiện có 235 doanh nghiệp có báo cáo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng số 2.184 trường hợp xác nhận.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Lạng Sơn, trong thực tế, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc tạm nghỉ việc không hưởng lương trong doanh nghiệp cũng có thể đồng thời là người có công với cách mạng, người hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội của địa phương khác.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lạng Sơn, kiến nghị, nhằm tránh việc chi trả nhiều chế độ cho một người lao động tự do tại 2 tỉnh khác nhau, cần phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú về việc chưa hưởng chế độ khác trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở cũng kiến nghị về việc cần có hướng dẫn cụ thể nhóm đối tượng người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ tại UBND cấp xã. 

Hoàng Mạnh