Thanh Hoá:
Hơn 15.000 người có công được giải quyết chế độ, chính sách mới
(Dân trí) - Trong 5 năm qua, bên cạnh các chính sách trợ giúp xã hội được quan tâm đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp giải quyết chế độ, chính sách mới cho trên 15.000 người có công.
Trợ cấp thường xuyên cho 204.636 đối tượng bảo trợ xã hội
Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thanh Hóa, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”, gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; phát huy tối đa mọi nguồn lực trong xã hội, lồng ghép các chương trình, dự án để giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả.
Đã phối hợp triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách Bảo hiểm y tế, giúp khoảng 3,8 triệu lượt người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số được khám, chữa bệnh; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, tạo sinh kế và phục vụ nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt cho 73.857 hộ nghèo.
Đồng thời, hỗ trợ triển khai thực hiện 227 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, tổng kinh phí thực hiện là gần 98,2 tỷ đồng, giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia... tại các huyện nghèo và xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi.
Qua đó, đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thanh Hóa theo chuẩn tiếp cận đa chiều từ 13,51% (cuối năm 2015), xuống còn 3,27% (cuối năm 2019), bình quân giảm 2,56%/năm, vượt kế hoạch đề ra.
Các chính sách trợ giúp xã hội được Sở quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, bảo đảm chế độ trợ cấp thường xuyên cho 204.636 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và 875 đối tượng tại các đơn vị trực thuộc Sở.
Đồng thời, tích cực hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, kiểm tra, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân trong thời kỳ thiên tai, giáp hạt và dịp tết Nguyên đán để kịp thời báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất; trong 5 năm, đã có 353.221 lượt nhân khẩu được hỗ trợ trên 7.286 tấn gạo.
Nâng mức sống người có công
Theo ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, về thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, trong 5 năm, ngành LĐ-TB&XH đã tiếp nhận và phối hợp giải quyết chế độ, chính sách mới cho trên 15.000 người có công, trong đó có 392 trường hợp hồ sơ tồn đọng được giải quyết.
Hàng năm, hơn 100.000 người có công và thân nhân được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7); gần 15.500 lượt người có công được điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Sở đã tham mưu thực hiện đổi mới chi trả trợ cấp hàng tháng cho người có công qua hệ thống bưu điện, đảm bảo an toàn, thuận tiện. Bên cạnh đó, đã tích cực phát động các chương trình tình nghĩa, huy động đóng góp, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở 3 cấp tỉnh, huyện và xã, bình quân đạt trên 18 tỷ đồng/năm, giúp hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.373 nhà ở, trao tặng 586 sổ tiết kiệm cho người có công có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay, đã có 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 100% xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
Bước vào giai đoạn 2020-2025, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, tiềm ẩn những rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của ngành LĐ-TB&XH.
Theo lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH, trong giai đoạn tới, phấn đấu duy trì tỷ lệ 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025) giảm bình quân hàng năm từ 1,5%/năm trở lên.
Hàng năm, có 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời và 70% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu.