An Giang:
Hơn 10.000 lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội
(Dân trí) - Bảo hiểm xã hội An Giang cơ bản thực hiện xong các chính sách hỗ trợ cho gần 80.000 lao động hồi hương tránh Covid-19. Tuy nhiên, còn hơn 10.000 lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Chiều 6/12, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) An Giang tổ chức họp báo cung cấp thông tin kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Thông tin tại buổi họp báo, Giám đốc Bảo hiểm xã hội An Giang Đặng Hồng Tuấn cho biết, chính sách hỗ trợ theo Nghị Quyết 68 và Nghị Quyết 116 là chưa có tiền lệ. Hai chính sách đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ hiệu quả cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Cũng vì ý nghĩa đó, cán bộ BHXH An Giang nhiều lúc làm việc đến 20 -22h tối là chuyện thường; một ngày có khi giải quyết trên 9.000 hồ sơ, trong khi số lượng cán bộ chỉ làm việc trên 30%. Theo ông Tuấn, hầu hết cán bộ đơn vị làm việc hết mình, không ngại khó, ngại khổ.
Nhờ đó, trong 5 ngày đầu tiên triển khai, Bảo hiểm xã hội An Giang đã hoàn thành thông báo giảm mức đóng cho tất cả các đơn vị thuộc đối tượng được hỗ trợ của cả 2 nghị quyết, tương ứng hơn 60,5 tỷ đồng.
Giải quyết và chi trả hỗ trợ cho hơn 79.769/72.041 người lao động, với số tiền 183,12 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (số lao động vượt do nằm trong nhóm 80.000 lao động hồi hương từ 1/10 về An Giang).
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 68, tính đến ngày 4/12, Bảo hiểm xã hội An Giang đã giảm mức đóng Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (từ 0,5% xuống còn 0%) 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) cho 1.594 đơn vị, tương ứng 65.162 lao động, với số tiền 19,91 tỷ đồng.
Giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất cho 17 đơn vị, với 1.667 lao động, số tiền 11,49 tỷ đồng. Xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc… cho 265 đơn vị, tương ứng 19.081 lao động, để UBND các cấp duyệt chi hỗ trợ 68,99 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách.
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 116 đến nay đã giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ 1% xuống 0%) 12 tháng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) cho 1.537 đơn vị, với 65.371 lao động, số tiền gần 41 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác hướng dẫn chi hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho nhóm lao động hồi hương đã ngừng việc, đến nay BHXH An Giang đã giải quyết chi hỗ trợ trên 6.900; còn khoảng 600 lao động đến nay chưa nộp hồ sơ. Và theo quy định đến ngày 20/12, người lao động ngừng việc không nộp hồ sơ sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116.
Giám đốc BHXH An Giang Đặng Hồng Tuấn còn cho biết, tại khu vực ĐBSCL, An Giang là một trong 2 đơn vị thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo Nghị quyết 68. Cụ thể, đơn vị chi hỗ trợ cho 234 lao động của 2 đơn vị với số tiền gần 1,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Tuấn còn cho biết thêm, đơn vị đã có kế hoạch phối hợp với Cục thuế, Sở LĐ-TB&XH An Giang để rà soát lại số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nhưng chưa tham gia đóng BHXH. Qua rà soát ban đầu có khoảng 2.000 doanh nghiệp với hơn 10.000 lao động chưa có hồ sơ tham gia đóng BHXH.