Kon Tum:

Hơn 1.000 hộ nghèo, hộ chính sách được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ vốn vay

(Dân trí) - Hơn 1.000 hộ vay tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng đã được chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kon Tum điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, góp phần giảm áp lực sử dụng vốn vay do Covid-19 gây ra.

NHCSXH chi nhánh tỉnh Kon Tum hiện có tổng dư nợ gần 2.740 tỷ đồng thông qua các chương trình tín dụng chính sách tại địa bàn, đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hơn 2% trong 4 tháng đầu năm 2020.

Quán triệt triển khai Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Tổng giám đốc NHCSXHVN và UBND tỉnh, Chi nhánh đã chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Hơn 1.000 hộ nghèo, hộ chính sách được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ vốn vay - 1
Một điểm giao dịch ở cơ sở của Phòng Giao dịch NHCSXH Kon Rẫy

Cụ thể, 1.074 hộ đã vay hơn 40 tỷ đồng đến hạn trong tháng 4/2020 đã được chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh điều chỉnh kỳ hạn trả nợ sang tháng 5, góp phần giảm áp lực sử dụng vốn vay trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do Covid-19 gây ra.

Trong 4 tháng đầu năm nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân gần 175 tỷ đồng cho hơn 4.700 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, tạo điều kiện lưu thông nguồn vốn đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Nhờ duy trì tiến độ giải ngân chủ yếu cho vay hộ nghèo, cận nghèo, đến nay, dư nợ của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kon Rẫy đạt 231 tỷ đồng, đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng 2,1%.

Ông Nguyễn Bá Phương, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Kon Rẫy, cho biết: "Trong tháng 5, phòng giao dịch có kế hoạch tập trung giải ngân khoảng 6,5 tỷ đồng, chủ yếu để đầu tư chăm sóc cao su, cà phê, chăn nuôi gia súc. Phòng giao dịch còn kịp thời điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gần 700 triệu đồng cho các khách hàng đã đến hạn trong tháng 04".

Hơn 1.000 hộ nghèo, hộ chính sách được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ vốn vay - 2
Phấn đấu giải ngân hơn 105 tỷ đồng trong tháng 5/2020

Ông Phương cho hay, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, UBND cấp xã và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cho vay từ NHCSXH, chi nhánh NHCSXH tỉnh đang tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình hộ vay vốn NHCSXH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để chủ động vận dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp, như điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, cho vay bổ sung hoặc xử lý rủi ro theo quy định.

"Tại địa bàn tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đối với khách hàng vay vốn chính sách là giá nông sản thấp, khó tiêu thụ, nhất là đối với các mặt hàng truyền thống như mủ cao su, cà phê nhân, sắn lát, tinh bột sắn…", ông Phương nói.

Bên cạnh đó, trước nhu cầu vay vốn chính sách gia tăng sau dịch bệnh để tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng tính toán để cân đối nguồn vốn, giải ngân phục vụ hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

“Riêng trong tháng 5 này, chúng tôi đã chủ động nguồn để đáp ứng yêu cầu vay tổng cộng hơn 105 tỷ đồng của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh nói với Dân trí.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng được giao nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn với lãi suất 0% cho nhóm người sử dụng lao động gặp khó khăn về vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Chính phủ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chung, sau khi tổng hợp từ các sở ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có khoảng 105 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) bị ảnh hưởng Covid-19 thuộc diện này.

Việc giải ngân cho người sử dụng lao động vay vốn sẽ được thực hiện theo đúng quy định trên cơ sở danh sách được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy vậy, theo khảo sát của NHCSXH chi nhánh tỉnh, hiện chưa có doanh nghiệp nào đề cập đến yêu cầu vay vốn để trả lương cho lao động.

Cùng với khả năng cân đối nguồn vốn phân bổ từ NHCSXH Trung ương, sắp tới, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cũng được chi nhánh NHCSXH tỉnh Kon Tum tiếp tục tranh thủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn, thúc đẩy giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

    Nghĩa Hà