Hồi sinh sau đại dịch, TPHCM đón hơn 143.000 lao động trở lại

An Linh

(Dân trí) - Ngay sau khi TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai - những tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam khôi phục sản xuất đại dịch, người lao động về quê đã bắt đầu trở lại làm việc, số lượng gia tăng mạnh mẽ.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhiều tỉnh phía Nam, nơi gánh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... cho biết, số lao động về quê đã bắt đầu trở lại các nhà máy, xí nghiệp.

Hồi sinh sau đại dịch, TPHCM đón hơn 143.000 lao động trở lại - 1

Thông tin đáng mừng, theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết khoảng 143.000 công nhân các tỉnh đã quay lại địa bàn làm việc.

Sau khi các địa phương phía Nam khống chế và giảm bớt thiệt hại từ dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, sản xuất với đơn hàng có sẵn.

Theo thông tin sơ bộ, hiện tại Bình Dương, Đồng Nai, có khoảng 85% doanh nghiệp đã khôi phục lại sản xuất. Các khu công nghệ cao của TPHCM, đã có hơn 70% doanh nghiệp đi vào sản xuất. Dự kiến, vài tuần nữa, các doanh nghiệp tại ba địa phương này có thể khôi phục hoạt động bình thường.

Theo ông Michel Bertsch, Giám đốc Công ty TNHH Geuther Việt Nam tại Bình Dương, hiện các doanh nghiệp tại Bình Dương đã hoạt động khoảng 65-70%, một thời gian nữa có thể sẽ hoạt động bình thường trở lại.

Ông Time Evans, TGĐ Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là mắt xích trong chuỗi xuất khẩu toàn cầu của các ngành như dệt may, da giày. HSBC tin tưởng sau đại dịch, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, đơn hàng lại đổ về và vốn đầu tư sẽ khôi phục trở lại khi Việt Nam được hưởng lợi từ các FTAs thế hệ mới.

Hiện, các rào cản đi lại, giao thông giữa các địa phương được yêu cầu thống nhất; các địa phương không được thực hiện thêm các quy định về giãn cách, kiểm soát dịch bệnh, buộc xét nghiệm thường xuyên với người lao động, hạn chế đi lại...

Với phương châm khôi phục lại sản xuất, sống chung với dịch bệnh, hiện rất nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam cũng đã hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương khôi phục trở lại hoạt động sản xuất phải chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối

Bộ Lao động yêu cầu tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19.

Theo hướng dẫn của Bộ này, để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, lao động, các doanh nghiệp, địa phương cần hỗ trợ giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại thị trường lao động về đào tạo, nâng cao kỹ năng lao động.

Chính sách khác được khuyến cáo là tập trung hỗ trợ chi phí thuê nhà, đi lại, sinh hoạt phí cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong điều kiện bình thường mới.