Hội Liên hiệp Phụ nữ VN tiếp tục đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ
Tăng tuổi nghỉ hưu đối với lực lượng lao động nữ là rất cần thiết, đây là quan điểm nhất quán của Hội LHPN Việt Nam.
Trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam khẳng định: Tăng tuổi nghỉ hưu đối với lực lượng lao động nữ là rất cần thiết, đây là quan điểm nhất quán của Hội LHPN Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua và điều này sẽ tạo nên bình đẳng thực chất đối với phụ nữ.
Tuổi nghỉ hưu: Rào cản đối với phụ nữ
Bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: Quan điểm của cá nhân Chủ tịch cũng như Hội LHPN Việt Nam về vấn đề tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là rất nhất quán. Hội đã theo đuổi vấn đề này khoảng hơn 20 năm, nhất là thời điểm 10 năm gần đây.
Tổ chức Hội cũng như cá nhân bà Thu Hà cho rằng, tuổi nghỉ hưu là một trong những rào cản, ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến sự tham gia và bình đẳng thực chất của phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, ở một số khu vực lao động khó khăn, độc hại, những người có điều kiện đặc biệt… thì tuổi nghỉ hưu của nữ thậm chí cần phải thấp hơn cả nam giới hơn nữa. Tuy nhiên, ở khu vực liên quan đến công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý, trí thức thì việc tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sớm hơn nam giới 5 năm là một rào cản lớn.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý, bình đẳng giới chưa được thực chất. Nguyên nhân do tuổi nghỉ hưu kéo theo rất nhiều vấn đề khác như tuổi quy hoạch, tuổi đào tạo, bổ nhiệm, kể cả lương - vì nghỉ hưu trước 5 năm đồng nghĩa với lương của phụ nữ sẽ bị thấp hơn nam giới.
“Trong khi đó, phụ nữ phải thực hiện trách nhiệm tái sản xuất sức lao động, trách nhiệm sinh con. Các nghiên cứu cho thấy, một người phụ nữ sinh 2 con mất trung bình 5 – 8 năm. Đây là thời gian ảnh hưởng trực tiếp nhất đến chị em. Trong thời gian đó, rõ ràng lao động của người phụ nữ bỏ ra để tái sản xuất không những cho gia đình, bản thân mà còn cho xã hội nữa.
Do đó, xã hội phải thừa nhận sức lao động ở giai đoạn của phụ nữ. Bởi vì nếu không như thế thì làm sao duy trì được sự phát triển của dân tộc, giống nòi? Trong khi đó, con đường chức nghiệp của phụ nữ ngắn hơn 5 năm so với nam giới, cho nên thực sự tuổi nghỉ hưu đối với khu vực công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý trong phổ chung là một rào cản” - bà Nguyễn Thị Thu Hà phân tích.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thừa nhận, đấu tranh tăng tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ là vấn đề Hội vẫn còn nợ lực lượng lao động nữ. Nhiều nghiên cứu sâu của Hội cho thấy, nhiều phụ nữ sau khi con cái lớn một chút mới có nhiều thời gian hơn cho công việc, nghiên cứu. Và hiện tại không thể lấy câu chuyện tuổi nghỉ hưu của 30 năm trước để áp dụng, bởi sức khỏe của phụ nữ hiện nay đã rất khác; điều kiện chăm sóc, xã hội cũng nhiều đổi thay tích cực hơn.
Rất nhiều phụ nữ có kinh nghiệm, sức khỏe, điều kiện, nhưng do vấn đề tuổi nghỉ hưu nên họ đi ra khỏi khu vực chính thức. Tuy vẫn cống hiến, làm việc ở những khu vực khác, nhưng ở chừng mực nào đó chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực, nhất là nhân lực nữ chất lượng cao hiện đang là nguồn vô cùng thấp. Tất nhiên, những trường hợp các chị đau yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm việc ở những khu vực quá căng thẳng… thì có thể có những đặc thù riêng.
Phản đối đề xuất bỏ quy định 60 phút cho con bú
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam kiến nghị: “Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đối với phụ nữ vẫn phải phân chia thành các nhóm. Về mặt phổ rộng của xã hội, có thể đôi khi các chuyên gia ngại tính toán, nhưng sẽ có những nhóm lao động trực tiếp chẳng hạn, thì có thể giữ nguyên như hiện nay hoặc sẽ tính độ tuổi nghỉ cho phù hợp.
Nhưng đối với những nhóm trí thức, nhóm lãnh đạo quản lý, nhóm công chức có kinh nghiệm… thì thực sự cần thay đổi và nâng độ tuổi nghỉ hưu lên. Hội LHPN Việt Nam đã có quan điểm chính thức về vấn đề này và tất nhiên, Hội luôn ủng hộ việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của phụ nữ”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết thêm: “Hội LHPN Việt Nam đặc biệt phản đối đề xuất bỏ quy định chị em đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày để cho con bú trong Dự thảo Luật lao động sửa đổi. Không thể lấy lý do là lợi nhuận, thu nhập của doanh nghiệp… mà bỏ đi chính sách rất nhân văn này. Không những thế, vấn đề này còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, giống nòi, lực lượng lao động lớn sau này”.
Theo VOV.VN