Hội chứng văn phòng

Nhiều người tưởng được làm việc trong một căn phòng kín máy lạnh chạy rì rì, bụi bặm trần thế đều ở ngoài cửa thì còn gì bằng. Thế nhưng, “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, né được cái ô nhiễm bên ngoài thì bạn lại lọt thỏm vào túi không khí không hề an toàn hơn bên trong.

Làm việc trong một căn phòng kín nghĩa là bạn chấp nhận đủ chất bất lợi thường trú “văn phòng”. Chúng ta hít O2 và thải ra CO2, nghĩa là CO2 tồn tại như một phần tất yếu của không khí và sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể nào đến sức khoẻ nếu nồng độ dưới 0,03%. “Hòa ước” mong manh này sẽ nhanh chóng mất hiệu lực nếu trong phòng kín có nhiều người cùng thở và liên tục góp CO2 vào không khí. 

 

Tám giờ vàng ngọc của bạn luôn mát mẻ nhờ mấy “cục” máy lạnh cúc cung tận tụy nhưng chúng cũng có thể là thủ phạm cướp mất độ ẩm trong cơ thể của bạn (trừ loại máy có thêm bộ phận phun hơi nước).

 

Nếu văn phòng của bạn trang bị máy photocopy, máy in, máy hủy giấy, máy hút bụi…, tức có sử dụng động cơ chạy điện thì khi vận hành chúng sẽ là nguồn phát ozon (O3).

 

Bộ sa lông tiếp khách, chiếc ghế xoay êm ái, bốn bức tường thơm mùi sơn, hoa văn trần nhà, thảm lót, bảng công tác, gỗ dán, thậm chí cây bút lông viết bảng… nói chung, những vật có sử dụng hóa chất tạo màu, khử mùi, keo dán, nệm bông, chất dẻo đều có thể phát tán phoóc-môn, (chất một thời nổi đình, nổi đám qua vụ scandal bánh phở tẩm chất bảo quản).

 

Tất cả “nhân vật” chuyên mai phục trong văn phòng trên sẽ “hè” nhau bức hại bạn cho đến khi bạn đóng cửa ra về mới thôi (nhất là những người có cơ địa mẫn cảm).

 

Những triệu chứng thường thấy gồm: mệt mỏi vô nguyên cớ, nhức đầu hoặc có cảm giác như luôn mang mũ bảo hiểm nặng trịch trên đầu. Hắt hơi, chảy mũi là những phản ứng của niêm mạc hô hấp bị dị ứng với những chất lạ lẩn khuất trong phòng. Khô họng hay khát nước là hậu quả của việc mất độ ẩm, tình trạng này sẽ nặng hơn nếu bạn buộc phải nói nhiều trong giờ làm việc như nhân viên trực điện thoại hay do… tán gẫu (niêm mạc hô hấp khô còn mở đường cho viêm nhiễm tai, mũi, họng).

 

Mắt là vị trí “đầu sóng ngọn gió” chịu đựng không khí văn phòng khá rõ. Đỏ mắt, xốn, chảy nước mắt (máy vi tính là một đồng phạm) là những triệu chứng thường thấy. Làn da khô là hậu quả “nhãn tiền” kế tiếp, việc các nữ nhân viên văn phòng than phiền da mặt, làn môi của mình ngày càng “xuống sắc” dù suốt ngày “nấp” trong phòng, ra đường thì bịt kín từ đầu đến chân không phải là hiếm.

 

Người ta gộp tất cả những bất ổn trên lại làm một, gọi là “hội chứng văn phòng” hay “hội chứng nhà cao tầng”. Không còn cách nào khác, thỉnh thoảng các “nạn nhân” nên tranh thủ thoát ra ngoài vài phút, không nên “cố thủ” quá kỹ trong phòng. Tranh thủ uống đủ nước. Hạn chế căng mắt nhìn quá lâu vào tập hồ sơ hay màn hình vi tính và năng chớp mắt tạo điều kiện cho nước mắt thực thi nhiệm vụ làm ẩm mắt.

 

Nếu có thể thì mang những thiết bị dùng điện ra ngoài phòng hoặc chuyển chỗ ngồi ra xa chúng. Hạn chế sử dụng thuốc xịt phòng, chất khử mùi ngay đầu giờ làm việc hoặc mở cửa ra cho thoáng khi thực hiện những việc trên.

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng