Học sinh THCS: Chương trình 9 +, tại sao không?
(Dân trí) - Chương trình 9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp THCS và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo.
Ưu điểm của Chương trình 9+
Chia sẻ tại buổi toạ đàm do Báo VietNamNet tổ chức vừa qua, ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, Chương trình 9+ có rất nhiều ưu điểm, như tiết kiệm chi phí, thời gian.
“Nếu các em chọn phương án là từ THCS lên THPT sau đó mới học trung cấp, học cao đẳng thì thời gian sẽ dài hơn, phải đến 5 - 6 năm các em mới có thể tốt nghiệp THPT và có bằng cao đẳng, học phí sẽ mất nhiều hơn", ông Giang cho biết.
Cũng theo ông Giang, nếu học theo mô hình của giáo dục nghề nghiệp Chương trình 9+, học sinh tốt nghiệp THCS theo học 1 - 2 năm trung cấp theo luật quy định sẽ cùng lúc có thể học cả văn hóa học cả học nghề. Sau đó học thêm 1 -2 năm nữa sẽ có bằng CĐ khi các em thi đủ và đảm bảo được khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Một ưu điểm được đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tại buổi toạ đàm chia sẻ: Đó là việc rút ngắn thời gian tiếp cận việc làm của các em. Bởi trong quá trình học nghề các em đã có thể tiếp cận doanh nghiệp, phong cách làm việc của doanh nghiệp cũng như đã có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền giúp đỡ gia đình khi tham gia các hoạt động cùng doanh nghiệp.
Đặc biệt hơn nữa là với chương trình 9+ các em sẽ được tiếp cận các kỹ năng mềm rất tốt. Trước kia phần kỹ năng mềm trong dạy nghề chưa được chú trọng nhiều, nhưng bây giờ những chương trình về khởi nghiệp, về kỹ năng mềm, về làm việc nhóm, ngoại ngữ v.v... đều được chú trọng và đào tạo.
Một ưu điểm quan trọng khác là các em có thể thỏa mãn nhu cầu học liên thông lên trình độ cao hơn khi đã đảm bảo các điều kiện theo các quy định, các văn bản pháp luật của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng như của Luật Giáo dục Nghề nghiệp.
Nói về việc làm sau khi tốt nghiệp, ông Khuất Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội, khẳng định học sinh học nghề sẽ có việc làm ngay sau khi ra trường. Nếu học sinh không xin được việc thì nhà trường sẽ là cầu nối để đảm bảo việc làm cho học sinh.
Bà Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp cũng cho biết: “Sau khi tốt nghiệp trung cấp, em nào muốn tham gia thị trường lao động ngay thì có thể đi làm ngay và có thu nhập rất cao, thậm chí lên đến 8-10 triệu/ tháng”.
Đột phá "điểm nghẽn"
Nói về “nút thắt” khi giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh đào tạo theo mô hình kiểu 9+, ông Đỗ Văn Giang cho hay, hiện nay sự hiểu biết về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, tức là học nghề, đã thay đổi rất nhiều khi Bộ LĐ-TBXH, Tổng cục dạy nghề đã tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức và bản thân học sinh THCS cũng đã ưu tiên học nghề rất nhiều rồi. Đó là tín hiệu lạc quan.
“Luật Giáo dục đại học cũng đã mở ra, nhưng tôi muốn đi thẳng vào vấn đề đang là điểm nghẽn và mong rằng Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ LĐ-TBXH để ra được quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT thay thế cho quy định tại Thông tư số 16/2010 đã quá cũ”, ông Giang nhấn mạnh.
Cũng theo ông Giang, mặc dù Bộ GD&ĐT đã có văn bản đồng ý là vẫn cho học chương trình đó, nhưng đến thời điểm này không còn phù hợp vì cũng sau 10 năm qua.
Ông Khuất Huy Bằng cũng cho rằng: “Căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội hiện nay là đang khát lao động, để giải cơn khát này Bộ LĐ-TBXH đã đưa ra mô hình đào tạo mới, đó là Chương trình 9+. Có rất nhiều hướng đi sau khi các em học hết cấp 2. Các em có thể đăng kí vào học tại các trường trung cấp, các trường cao đẳng và tại đó được đào tạo song song hai chương trình, chương trình văn hóa và chương trình nghề”.
Tuy nhiên, theo ông Bằng, một khó khăn khác cần tháo gỡ với giáo dục nghề nghiệp là ở Việt Nam có một đặc thù là sính bằng cấp. Ông Bằng nhấn mạnh: “Trong Chương trình 9+, khi các em hết lớp 9 sẽ vào các trường trung cấp, được đào tạo một lượng kiến thức văn hóa đủ để các em tiếp tục học nghề ở các trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học thì các em chỉ được cấp một giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa đó để được tiếp tục học lên cao hơn. Về mặt này phụ huynh vẫn còn khá băn khoăn là muốn sẽ có một bằng tốt nghiệp cấp 3, sau đó mới tính đến học cao đẳng, đại học”.
“Để giải quyết được bài toán này chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ được lợi ích của chương trình 9+. Bởi vì các nước phát triển như Đức, Nhật Bản đã ứng dụng mô hình này rất thành công, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ thành công”, ông Bằng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, cô Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp, cho biết: “Trường chúng tôi hàng năm tuyển sinh đối tượng 9+ tương đối nhiều, từ 500 - 650 các em tốt nghiệp THCS để vào học nghề. Giống như thầy Bằng chia sẻ, nhiều khi phụ huynh bắt con em mình là phải học hết cấp 3 để có bằng cấp, thế nhưng nhiều em không muốn học văn hóa theo kiểu hàn lâm mà lại yêu thích các môn học hoặc các nghề như tin học, điện, mỹ thuật, bán hàng trong siêu thị, kế toán… thì các em có thể tìm hiểu để sớm tiếp cận nghề nghiệp đó”.
Bài toán giải “cơn khát” nguồn nhân lực
Phát biểu tại toạ đàm, ông Trần Ngọc Lương - Giám đốc Công ty TNHH U-Shine Vietnam cho biết: “Có một thực tế là chúng tôi thích tuyển dụng các em tốt nghiệp trường nghề hơn trường đại học. Vì ra trường là các em sẽ làm được việc luôn và không ngại khó, ngại khổ. Đối với các em tốt nghiệp Đại học, chúng tôi phải đào tạo lại từ đầu và tâm lý các bạn này thường cho rằng mình học Đại học sao phải đi bê bàn, bê ghế…”.
Theo ông Lương, trong ngành khách sạn nhà hàng, ngay bản thân các vị trí cao cũng bắt đầu từ học nghề, phụ bếp. Điển hình như, từ một phụ bếp của khách sạn Metropole, đến nay chủ hiệu bánh Anh Hoà đã phát triển 13 cơ sở và rất thành công.
Ông Lương nhấn mạnh, rất nhiều người thành công khi chỉ xuất phát điểm từ đầu bếp, phụ bếp nhưng họ có thái độ làm việc tốt, luôn chăm chỉ học hỏi nâng cao tay nghề. Nếu các bạn trẻ học nghề chịu khó nâng cao chuyên môn thì chỉ cần từ 3 đến 5 năm có thể lên chức Quản lý trưởng và chỉ mất 10 năm phấn đấu vào vị trí Giám đốc.
“Trên cương vị nhà tuyển dụng, tôi thấy học nghề là vấn đề quan trọng. Thực tế nhiều nhà quản lý không đi lên từ học nghề cũng không thể quản lý tốt được vì họ không có chuyên môn, không va vấp nhiều từ thực tế”, ông Lương nói thêm.
Minh Anh