Nghệ An: Tạo việc làm và thu nhập từ đào tạo nghề nông thôn

(Dân trí) - Từ những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Nghệ An: Tạo việc làm và thu nhập từ đào tạo nghề nông thôn - 1

Khai giảng lớp dạy nghề trồng cây có múi tại xã Cao Sơn, Anh Sơn, Nghệ An.

Dạy nghề gắn với thị trường 

Theo ông Đặng Kim Bằng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp (Hội nông dân tỉnh Nghệ An), trong công tác dạy nghề, Trung tâm luôn xác định đây là thang giá trị cho việc xác định vai trò của hội nông dân các cấp trong bối cảnh hiện nay.

Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp hội nông dân tỉnh Nghệ An đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học cho các học viên.

Nghệ An với đặc thù là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với địa hình đa dạng. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu sự tác động trực tiếp của gió mùa Tây - Nam khô và nóng và gió mùa Đông Bắc lạnh, ẩm ướt cho nên quá trình phát triển sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố thiên nhiên.

Do đó, trước khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực, ngành nghề để phát triển kinh tế đều phải bám sát điều kiện đặc thù của từng vùng miền.

Nằm trong xu thế chung đó, dạy nghề cho lao động nông thôn cũng phải đi đôi với xu thế thị trường, thế mạnh của từng vùng để mang lại sự hứng thú cho học viên khi tham gia học và phát huy được kiến thức sau khi đào tạo.

Nghệ An: Tạo việc làm và thu nhập từ đào tạo nghề nông thôn - 2
Nghệ An: Tạo việc làm và thu nhập từ đào tạo nghề nông thôn - 3

Những quả dưa lưới đầu tiên từ mô hình nhà kính của anh Nguyễn Tứ Mỹ ở huyện Nghi Lộc , Nghệ An.

Xác định được điều đó, trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp Hội nông dân tỉnh Nghệ An luôn gắn đào tạo nghề với điều kiện thực tế từng vùng là “đòn bẫy” gián tiếp giúp các nông hộ phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.

Trao đổi về quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Đặng Kim Bằng - Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Đa số các học viên học xong nghề nông nghiệp ứng dụng vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của gia đình đạt được những hiệu quả tích cực. Từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ đã phát triển thành chăn nuôi theo hướng nông trại, trang trại với quy mô chăn nuôi lớn, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… ".

Cũng theo ông Bằng, việc áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Ở nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Kết quả công tác đào tạo nghề đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Trước khi các lớp được mở, trung tâm đã phối hợp với hội nông dân cơ sở và chính quyền từng huyện, xã khảo sát điều kiện của từng vùng để xác định được nhu cầu cần của người dân và đào tạo loại ngành nghề nào cho phù hợp với từng địa phương.

Với các huyện như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nghi Lộc… do có điều kiện đặc thù về thổ nhưỡng nên dễ trồng các loại cây có múi, cây ăn quả nên trung tâm đã tiến hành mở những lớp đào tạo nghề về trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi để có nguồn phân bón cho cây trồng.

Còn ở các huyện như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu lại phù hợp với điều kiện chăn nuôi, trồng rau, máy nông nghiệp, chế biến và nuôi trồng thủy sản, …

Tạo công ăn việc làm mở ra hướng đi mới

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Tứ Mỹ ở xóm 13 Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An), sau khi tham gia lớp học trồng rau an toàn được triển khai tại xã Nghi Long.

Anh đã cùng với 34 học viên đã phát huy hiệu quả cao trong quá trình làm ăn kinh tế nhờ được chuyển tải những kiến thức quý giá về cách chăm sóc giống cây trồng. 

Nghệ An: Tạo việc làm và thu nhập từ đào tạo nghề nông thôn - 4
Nghệ An: Tạo việc làm và thu nhập từ đào tạo nghề nông thôn - 5

Nghề mây tre đan là điểm tựa cho việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Hiện nay, xã Nghi Long đã có hệ thống nhà lưới 6.000m2, tổng diện tích 6ha trồng rau củ quả an toàn.

Sau quá trình được đào tạo và phát triển kinh tế, các thành viên tập hợp lại trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của các cấp Hội nông dân đã tiến hành thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap hướng đến đáp ứng các loại rau sạch như dưa chuột, dưa lưới, bầu bí, su hào, bắp cải, su lơ,…hầu như thị trường rau thì các thành viên ở đây đều trồng hết.

“Với tổng diện tích gia đình trồng gần 2000 m2, hiện tại bản thân còn hơi hạn chế về khoa học kĩ thuật và do thời tiết ở miền trung mình khá khắc nghiệt nên việc trồng và chăm sóc rau, củ quả gặp nhiều khó khăn hơn. Vụ dưa lưới đầu tiên trên của gia đình trông trên diện tích 500m2 sau gần 3 tháng chăm sóc đã cho thu hoạch khoảng 1.4 đến 1.5 tấn với giá giao động từ 60.000đ/kg - 70.000đ/kg" - anh Long cho biết.

Nghệ An: Tạo việc làm và thu nhập từ đào tạo nghề nông thôn - 6

Mô hình vườn ươm nhà lưới đã bước đầu mang lại hiệu quả cao cho người dân.

Các thành viên tham gia học cùng lớp về đều phát huy tốt hiệu quả, mỗi năm bình quân các thành viên đều có thu nhập khoảng 150-300 triệu đồng/ năm.

Cũng nhờ được tiếp cận với những kiến thức mới, khoa học mà các học viên như chúng tôi biết cách làm ăn kinh tế bài bản hơn, biết cách chăm sóc cây trồng trong quá trình sinh trưởng, biết tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm và cùng hướng đến chất lượng sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.

Với mong muốn mỗi người dân đều có nghề cầm tay đảm bảo thu nhập đủ mỗi ngày, Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp Hội nông dân tỉnh Nghệ An đã không ngừng nỗ lực đổi mới và phát huy tốt với vai trò định hướng nghề nghiệp cho nông dân.

Với phương pháp lấy người học làm trung tâm, cán bộ giảng dạy luôn phải chủ động xây dựng chương trình học phù hợp với tình hình thực tế của học viên tại địa phương nhằm tạo sự hứng thú và đảm bảo cho học viên tham gia học ở mỗi ngành nghề có cơ hội thực hành, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được xem là cơ hội vàng giúp người lao động được học nghề và có việc làm và thu nhập ổn định. Vì thế, trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục dạy nghề luôn tập trung vào các ngành nghề phù hợp, tránh hiện tượng dàn trải, lãng phí để mang lại hiệu quả tốt nhất trong quá trình mở lớp đào tạo.

Nguyễn Tú