Học hỏi Buffett một cách khôn ngoan

Warren Buffett là một huyền thoại ngay trong chính thời đại của mình. Chắc chắn ông là nhà đầu tư vĩ đại nhất còn sống trên thế giới này. Ông cũng là người được viết nhiều sách nhất.

Học hỏi Buffett một cách khôn ngoan

Khi tìm chữ “Warren Buffett” trong phân mục “sách” trên Amazon.com, có đến gần 3.000 kết quả xuất hiện, trong đó có ít nhất 100 quyển có từ “Buffett” trong tựa sách. Vậy cuốn sách Ngay cả Buffett cũng không hoàn hảo có gì đáng để đọc?

Thứ nhất: Phương pháp đầu tư có tính kỷ luật cao và sự nhìn xa trông rộng của Buffett

Ngay cả Buffett cũng không hoàn hảo không phải là một sự chỉ trích, mà tác giả đã giải thích một cách cẩn thận phương pháp đầu tư có tính kỷ luật cao và sự nhìn xa trông rộng của Buffett cũng như sự tiến hóa của nó trong quá trình phát triển tài sản của Berkshire Hathaway.

Vahan đã khéo léo sử dụng những kiến thức sâu sắc và sự thành công của con người vĩ đại này để cho chúng ta biết những điều về đầu tư giá trị nhằm duy trì hiệu quả cao trên thị trường. Vahan cũng phân tích kỹ những chiến lược đầu tư khác, vì Phố Wall không chỉ có một cách đầu tư duy nhất.

Rắc rối với hầu hết các nhà đầu tư là họ thường xuyên “nhảy” từ phương pháp này sang phương pháp khác. Rất ít người kiên trì như Buffett trong việc giữ lại cổ phiếu nhiều năm trước khi bán đi. Và cũng có rất ít người có khả năng áp dụng một cách nhất quán những chiến lược khác nhau mà Vahan phân tích trong quyển sách này.

Không có nhà đầu tư nào luôn luôn đúng. Con người không thể làm được điều đó. Bản thân Buffett cũng có những giai đoạn khó khăn phải bán lỗ những cổ phiếu mà ông đã mua. Tuy nhiên, ông thường nắm giữ những cổ phiếu tốt khá lâu. Nhờ áp dụng một phương pháp đầu tư nhất quán và an toàn, thậm chí còn được tinh chỉnh theo thời gian.
Thứ hai: Không phải chiến lược nào của Buffett cũng có thể học hỏi


Thứ hai: Không phải chiến lược nào của Buffett cũng có thể học hỏi

Điều làm cho quyển sách này đặc biệt có giá trị là tác giả đã chỉ ra rằng không phải chiến lược nào của Buffett cũng có thể học hỏi, nhất là với các nhà đầu tư trung bình và nhỏ.

– Buffett thích “kết hôn” với doanh nghiệp, còn bạn nên “hẹn hò” với cổ phiếu.

– Buffett ngần ngại khi phải bán cổ phiếu trong hầu như bất cứ tình huống nào, nhưng bạn nên sẵn sàng bán cổ phiếu khi giá thị trường của nó cao hơn giá trị nội tại. Tương tự, đừng cảm thấy nghĩa vụ cầm giữ một cổ phiếu chỉ tạo ra một khoản thu nhập kém cỏi.

– Thông qua Berkshire, Buffett thường mua toàn bộ doanh nghiệp hoặc mua tỷ lệ khá lớn cổ phần để nắm quyền kiểm soát chính trong doanh nghiệp đó. Nếu bạn không có sự nhạy bén hoặc khả năng tiếp cận những nguồn lực như Buffett, đa dạng hóa là chiến lược tốt nhất để bạn kiểm soát rủi ro.

– Đầu tư tư nhân vào cổ phiếu công (PIPE) là một chiến lược khác mà Buffett thường vận dụng trong khi nhà đầu tư trung bình không thể áp dụng được. Nếu bạn thích ý tưởng áp dụng PIPE, bạn hãy đầu tư vào một công ty như Berkshire hay một “hedge fund” có chuyên môn sâu và khả năng tiếp cận thị trường cao.

Thứ ba: Ngay cả Buffett cũng có thể sai lầm

Buffett – người ủng hộ thuế cao: Chương viết về thuế là phần mà mọi người nên đọc, đặc biệt là các chính trị gia. Theo tác giả, sai lầm của Buffett là cũng như nhiều người khác ở Washington, ông nghĩ rằng người giàu nên bị đánh thuế thu nhập với thuế suất cao hơn. Ông cũng ra sức ủng hộ việc áp dụng thuế tài sản thừa kế.

Điều mà “Nhà hiền triết xứ Omaha” và nhiều người khác không nhìn nhận là thuế cũng là một cái giá phải trả và là một gánh nặng, chứ không chỉ là một phương tiện tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước.

Lịch sử cho thấy những kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập lớn thời Reagan năm 1981 và 1986 đã biến một nền kinh tế Mỹ đình đốn thành nền kinh tế năng động nhất thế giới. Tỷ trọng GDP của nước Mỹ so với GDP toàn cầu tăng mạnh mẽ, cũng như giá trị vốn cổ phần của nước Mỹ so với tổng giá trị vốn cổ phần của cả thế giới.

Buffett khuyên ngừng cung cấp thông tin định hướng: Buffett cảm thấy khi cung cấp những thông tin định hướng cho các nhà phân tích chứng khoán sẽ góp phần làm tăng tính thiếu ổn định của thị trường chứng khoán và buộc bộ máy quản lý hướng đến những hoạt động quá thiên về ngắn hạn. Ông đã “thuyết phục” nhiều công ty mà ông nắm giữ cổ phiếu lớn, như Coca-Cola và Washington Post, ngừng cung cấp thông tin định hướng.

Tác giả đã đưa ra một phản biện hết sức thuyết phục và tinh tế. Dù có hay không được cung cấp thông tin về thu nhập kỳ vọng, các nhà đầu tư cũng tự đưa ra các ước tính của họ. Hơn nữa, bộ máy quản lý cần phải cung cấp thông tin cho nhà đầu tư nhiều hơn, chứ không phải ít đi.

Về tính không ổn định của thị trường, các nghiên cứu đã cho thấy những công ty không cung cấp thông tin định hướng thường dễ biến động hơn những công ty có cung cấp. Quan trọng hơn là những công ty không cung cấp thông tin định hướng thường có giá trị vốn hóa thị trường nhỏ hơn. Nói cách khác, những công ty đưa ra ước tính thu nhập thường có giá cổ phiếu cao hơn.

Ngay cả Buffett cũng không hoàn hảo phá tan nhiều câu chuyện đồn thổi ly kỳ về Buffett và phong cách đầu tư mang thương hiệu cá nhân của ông. Tóm lại, bạn đang có trong tay một quyển sách “3 trong 1”, nghĩa là đang nắm giữ “một tài sản giá trị cao bị định giá thấp”.
Theo Doanh nhân Sài gòn