Hỗ trợ việc nhẹ, thu nhập ổn định cho công nhân bị cụt tay, chân
(Dân trí) - Sau khi bị đứt một cánh tay, anh Hiếu được công ty hỗ trợ làm công việc văn phòng, mức thu nhập ổn định. Mỗi tháng, anh Hiếu được bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả 1,4 triệu đồng.
Cứ ngỡ cuộc đời... chấm hết
Anh Nguyễn Xuân Minh Hiếu (25 tuổi, quê Đắk Lắk) làm việc tại Công ty TNHH Đông Nam ở Bình Dương. Năm 2019, trong lúc làm việc, anh không may bị máy ép dập cụt cánh tay trái. Tỉnh dậy sau cơn mê man trên bàn mổ, Hiếu suy sụp tinh thần, cứ ngỡ cuộc đời mình từ nay là chấm hết.
Không chỉ lo lắng khoản tiền viện phí khổng lồ, Hiếu còn lo sau này không nơi nào nhận vào làm việc, cuộc sống biết tính sao. Hàng trăm câu hỏi cứ dằn vặt trong đầu chàng trai chỉ mới 22 tuổi khiến Hiếu nhiều đêm mất ngủ.
"Khi bình tâm lại, mọi người nói mọi chi phí điều trị, thuốc men của tôi đều được bảo hiểm TNLĐ, BNN và công ty chi trả. Khi ấy tôi mới thở phào được. Hiện, tỷ lệ thương tật của em là 65%, mỗi tháng được bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả mức hỗ trợ 1,4 triệu đồng", Hiếu tâm sự.
Ngoài tiền viện phí, thuốc men, công ty cũng đã hỗ trợ Hiếu một phần để trang trải trong thời gian nghỉ làm. Nhờ vậy, Hiếu có thể dễ dàng hơn khi quay lại cuộc sống đời thường, dù thiếu một cánh tay.
"Khi tôi điều trị tai nạn lao động trở về, công ty cho đi học thêm một lớp về vi tính và sắp xếp cho tôi công việc văn phòng. Thu nhập hàng tháng của tôi hiện đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Cùng với số tiền hưởng bảo hiểm TNLĐ, BNN, cuộc sống của tôi bây giờ khá ổn định", chàng trai quê Đắk Lắk bày tỏ.
Mỗi năm, anh Hiếu còn nhận được từ công đoàn, công ty nhiều sự động viên, phần quà ý nghĩa. Mới đây, anh Hiếu đã nhận 1 triệu đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm từ Công đoàn tỉnh Bình Dương. Từ những sự quan tâm ấy, Hiếu nhận thấy cuộc sống còn rất nhiều ý nghĩa và bản thân vẫn là một người có ý nghĩa cho gia đình và xã hội.
Doanh nghiệp luôn có quỹ hỗ trợ công nhân bị tai nạn lao động
Cũng như anh Hiếu, anh Trịnh Văn Đấu (41 tuổi, quê Thanh Hóa) làm việc tại Công ty TNHH Uni President (Bình Dương) bị tai nạn lao động năm 2010. Lúc đó, anh Đấu làm ca đêm, 3h sáng máy hỏng, anh đang sửa thì không may bị băng tải cuốn vào máy, mất chân phải. Với tỷ lệ thương tật là 61%, anh Đấu được hưởng bảo hiểm TNLĐ, BNN mỗi tháng hơn 1 triệu đồng.
Sau khi bình phục vết thương, anh Đấu được công ty cho đi học nghề và được giữ lại làm việc ở bộ phận chuyên môn. Hàng năm, anh Đấu vẫn đi khám sức khỏe, kiểm tra thương tật. Mọi chi phí khám chữa bệnh đều do bảo hiểm chi trả.
Rủi ro xảy ra, anh Đấu mới thấy hết ý nghĩa của việc được đóng bảo hiểm đầy đủ khi làm việc.
Trao đổi về việc hỗ trợ người lao động, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Công đoàn tỉnh Bình Dương cho biết, người lao động bị tai nạn lao động mọi chi phí điều trị từ lúc bị đến khỏi bệnh đều do doanh nghiệp chi trả.
Sau đó, công ty sẽ hướng dẫn người lao động đi giám định thương tật để hưởng bảo hiểm TNLĐ, BNN. Doanh nghiệp cũng có một khoản chi trả cho người lao động sau tai nạn, số tiền này tùy thuộc vào "lỗi" dẫn đến tai nạn do người lao động hay do nguyên nhân khách quan.
Ông Dũng cho biết thêm, trung tâm thường xuyên nhận tư vấn cho đoàn viên, người lao động về sự thay đổi của Bộ luật Lao động và lợi ích của việc đóng bảo hiểm. Trong năm 2021, Trung tâm tổ chức 20 lớp tư vấn với khoảng 4.000 người. 5 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã tư vấn cho 630 người.
"Riêng về nội dung Bảo hiểm xã hội, Trung tâm thường xuyên tuyên truyền cho người lao động về 5 chế độ khi tham gia bảo hiểm. Người lao động rất quan tâm đến vấn đề này. Thông qua các buổi tuyên truyền tại phòng trọ, người lao động chủ yếu hỏi về bảo hiểm thai sản, TNLĐ, BNN, chế độ hưu trí…", ông Dũng cho hay.
Dương Thùy