Hỗ trợ học nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp: "Không cần nhiều, chỉ cần đúng"

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Thay vì nâng cao số lượng người tham gia gói hỗ trợ học nghề của bảo hiểm thất nghiệp, thị trường lao động Việt Nam cần hơn các khóa học đáp ứng đúng nhu cầu thực tế, không chỉ dạy nghề mà còn cả kỹ năng mềm.

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động hiện nay, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho hay việc hỗ trợ học nghề là ý nghĩa cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, Chính phủ đã rất linh hoạt, có những hỗ trợ người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, từ việc được hỗ trợ học phí, mức phí tăng lên, điều kiện áp dụng cũng được mở rộng.

Theo đó, người lao động để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì phải tham gia từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi thất nghiệp. Nhưng với người lao động muốn được hỗ trợ học nghề thì chỉ cần tham gia từ đủ 9 tháng trong vòng 24 tháng trước khi thất nghiệp. Người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp ở tỉnh này nhưng có thể học nghề ở tỉnh khác , có nhiều lựa chọn hơn về nghề nghiệp, giảm bớt việc đi lại.

"Như vậy, đối tượng tham gia hỗ trợ học nghề đã được mở rộng hơn so với nhóm hưởng trợ cấp. Mức phí áp dụng cũng được tăng theo thời gian để đáp ứng mức trượt giá của thị trường. Mới đầu chỉ là 300.000 đồng/tháng, sau đó tăng lên 1 triệu đồng, rồi tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng, góp phần cân bằng chi trả việc tham gia học nghề của người lao động", bà Liễu cho hay.

Hỗ trợ học nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp: Không cần nhiều, chỉ cần đúng - 1
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Tuy nhiên thực tế ghi nhận tại nhiều địa phương, lao động không mặn mà với việc nhận hỗ trợ học nghề, mà chỉ muốn nhận tiền trợ cấp. Nhiều người mất việc tại các doanh nghiệp thâm dụng lao động quyết tâm bám trụ lại thành phố nhưng chỉ để tìm kiếm một công việc tương tự, bất chấp ngành đó đang gặp nhiều khó khăn, thay vì tham gia các khóa đào tạo nghề để chuyển đổi công việc khác.

Trao đổi về thực trạng này, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc Làm, cho hay khi xây dựng chính sách, các nhà hoạch định cũng đã dự kiến số đào tạo nghề chỉ chiếm tỷ lệ 4-5% người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Nguyên nhân là tại Việt Nam, các nhà đầu tư đang tận dụng thời kỳ dân số vàng để thu hút lao động giản đơn, không cần trình độ cao. Tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, trường hợp người lao động giấu bằng đại học để xin vào làm ở các đơn vị tuyển dụng lao động phổ thông đã diễn ra, cho thấy nhu cầu thực tế của doanh nghiệp với nhóm lao động giản đơn rất lớn.

Chính quyền tại nhiều địa phương cũng như công ty tuyển dụng sẵn sàng bỏ chi phí đi lại, ăn ở cho người lao động đến nơi tuyển dụng. Do đó, phần lớn các lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp rơi vào nhóm ngành thâm dụng lao động, ở trình độ thấp rất nhiều.

Ngoài ra, tiền lương của công nhân lao động phổ thông dù đã tăng nhưng gần như chưa đảm bảo được các nhu cầu sinh hoạt, nên khi thất nghiệp, họ sẵn sàng tìm kiếm ngay một đơn vị khác, một doanh nghiệp khác để có thu nhập ngay lập tức. Có những khu vực, cung lao động cục bộ có thời điểm thiếu hụt, doanh nghiệp thậm chí còn hỗ trợ cho người giới thiệu lao động vào làm việc, còn người lao động sẵn sàng chuyển ngang sang công ty khác khi chênh lệch tiền lương vài trăm nghìn đồng. Họ không có nhu cầu cao về học nghề do dễ dàng tìm được công việc thay thế mà không cần nâng cao trình độ.

Hỗ trợ học nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp: Không cần nhiều, chỉ cần đúng - 2
Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc Làm, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu lao động giản đơn còn lớn là một nguyên nhân khiến người bị thất nghiệp không có nhu cầu nâng cao trình độ trong ngắn hạn (Ảnh: Hữu Nghị).

Ông Tú cũng nhấn mạnh rằng chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện chỉ hỗ trợ một phần kinh phí học nghề, mà chưa có hỗ trợ khác như tiền ăn, tiền đi lại…, trong khi người lao động lại không có khả năng về kinh tế, không có tích lũy để không cần đi làm, chỉ đi học mà vẫn đảm bảo được sinh hoạt hàng ngày.

Các địa phương cũng còn khó khăn trong việc tổ chức các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành nghề đào tạo ít, khóa học không diễn ra liên tục nên có thể không đáp ứng được nhu cầu phát sinh của người lao động.

"Theo tôi, việc tăng số lượng người học nghề không quan trọng bằng việc đáp ứng được nhu cầu của người lao động thực sự muốn học chuyển đổi nghề, có những hỗ trợ ngoài học phí để việc học nghề của họ được tốt hơn. Chúng ta cũng có thể mở rộng các hình thức hỗ trợ học nghề, các kỹ năng khác... Bản thân người lao động đến các trung tâm dịch vụ việc làm nói chung có thể chỉ để hỗ trợ viết một tờ đơn xin việc, kỹ năng phỏng vấn, giao tiếp… để được ứng tuyển và tuyển dụng", Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc Làm, chia sẻ.