1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hiểu ong như con, mỗi năm bán mật lãi bạc tỷ

Với những bí quyết nhà nghề, lão nông Trần Văn Hồng ở ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre) mỗi năm bỏ túi cả tỷ đồng nhờ nuôi ong mật.

Cần mẫn theo nghề nuôi ong

Mấy năm gần đây, nghề nuôi ong mật được xem là 1 trong những nghề có thu nhập “khủng” tại miền Tây. Nhiều người cứ nghĩ, chỉ cần thả những chú ong thợ ra ngoài để lấy mật rồi mang tiền về. Vậy nhưng, theo chia sẻ của ông Trần Văn Hồng, nghề này không dễ cũng không khó. Nếu không có bí kíp thì tán gia bại sản như chơi.

Nhờ có kinh nghiệm nuôi ong, ông Trần Văn Hồng có thu nhập khá cao. Ảnh: H.L
Nhờ có kinh nghiệm nuôi ong, ông Trần Văn Hồng có thu nhập khá cao. Ảnh: H.L

Chia sẻ về mối “lương duyên” đến với nghề nuôi ong mật, ông Hồng cho biết: “Chợ Lách nổi tiếng về trái cây, hầu như nhà nào cũng trồng. Khi mô hình nuôi ong lấy mật trỗi dậy mạnh mẽ ở địa phương, tôi cũng tập tành học hỏi và tiến hành nuôi nhỏ lẻ mấy chục thùng ở chính vườn cây ăn trái của mình. Tuy nhiên, giai đoạn đầu vốn hiểu biết còn ít, không có tiền để “chạy” theo ong nên lỗ vốn. Nếu không kiên nhẫn, chắc giờ tui đã bỏ nghề…”.

"Tôi xây được căn nhà khang trang hiện tại cũng là nhờ vào nghề nuôi ong. Tuy cực khổ nhưng nuôi ong thu nhập cao khó có nghề chăn nuôi nào sánh kịp. Nhưng để có thành công trong nghề ai cũng phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kể cả nghề nuôi ong” - Ông Trần Văn Hồng

Sau những lần thất bại ban đầu, ông Hồng bèn khăn gói ra tận Bắc Giang để “tầm sư học đạo”. Rồi nghề dạy nghề, ông tích lũy được các kinh nghiệm, cần mẫn làm theo những điều mà các bậc thầy nuôi ong đã dạy.

Ông Hồng chia sẻ: “Ong thích nhất là phấn các loại hoa nhãn nhưng hút riết rồi cũng hết, tôi phải thuê xe, chở hàng trăm thùng ra tận miền Trung, miền Bắc để cho ong hút mật. Một chuyến đi kéo dài hàng tháng trời. Thời gian đầu, đi xa ngán lắm nhưng riết rồi thành quen, người ta gọi nghề nuôi ong mật là chăn nuôi du mục”…

Thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Theo chia sẻ của ông Hồng, trong quá trình nuôi cần duy trì chất lượng ong chúa tốt nhất cho mỗi đàn. Khi ong chúa già, năng suất đẻ thấp phải thay thế ong chúa khác bằng cách kích thích đàn ong tạo ong chúa hoặc di chuyển các ong chúa tốt từ tổ khác sang. Ngoài ra, có thể tự tạo ong chúa bằng cách nhân giống, lấy cầu ong có trứng ong chúa để ong xây các mũ chúa ở chỗ có ấu trùng nhỏ.

“Đàn ong thường phát triển tốt ở nhiệt độ 35 độ, độ ẩm 80%. Vì thế nên đặt thùng ong ở những nơi râm mát, tránh ánh nắng tiếp xúc trực tiếp, nếu cần nên để nước trong thùng nuôi ong. Nên thường xuyên thay bánh tổ mới cho đàn ong” - mấy mươi năm trong nghề, ông Hồng đúc kết được kinh nghiệm như vậy.

Chỉ tay về các thùng ong được đặt kín trong vườn, ông Hồng cởi mở: “Ở đây bà con thường trồng nhãn rồi kết hợp nuôi ong lấy mật. Những khi đất trống như vậy, đặt vài chục thùng ong, mỗi năm cũng kiếm được vài chục triệu đồng”. Theo lời ông Hồng, làm nghề nuôi ông phải chấp nhận xa nhà để cho ong tìm mật, mỗi chuyến xe ra Bắc chi phí vài chục triệu đồng.

Nếu điều kiện thời tiết mưa bão thất thường, có khi phải đi về tay trắng. Tuy nhiên, nếu gặp điều kiện khí hậu tốt, đàn ong khỏe và cho năng suất mật cao thì thu nhập cao ngất ngưởng. “Mấy năm gần đây, tôi cùng các con nuôi gần 1.000 thùng ong, mỗi năm khai thác cả vài chục ngàn lít mật, trừ chi phí có năm lãi cả tỷ đồng.

Theo Danviet.vn