Hết thời hạn giảm mức đóng bảo hiểm, doanh nghiệp nói gì?

Xuân Hinh

(Dân trí) - Vơi các doanh nghiệp, mức đóng 0,5% quỹ tiền lương cho bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp luôn nằm trong kinh phí dự trù nên từ 1/7, hết thời gian hỗ trợ giảm đóng, quỹ lương vẫn đảm bảo.

Chủ động thực hiện thay đổi

Hết thời hạn giảm mức đóng bảo hiểm, doanh nghiệp nói gì? - 1

Các doanh nghiệp chủ động lên phương án tiếp tục đóng 0,5% quỹ tiền lương vào Quỹ TNLĐ, BNN.

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/7/2021 đến hết 30/6/2022, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN). Kể từ 1/7, mức đóng trở lại 0,5% theo Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020.

Những ngày cuối tháng 6, các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam đều đã có phương án cho việc điều chỉnh mức đóng trên. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chủ động thực hiện thay đổi để quyền lợi của người lao động không bị gián đoạn.

Công ty TNHH Jia Hsin (Long An) có khoảng 6.000 công nhân lao động. Tại đây, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022).

Số tiền miễn giảm, công ty đã sử dụng để trang bị nước rửa tay, bình khử khuẩn, máy đo thân nhiệt, khẩu trang… chăm lo sức khỏe cho người lao động trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, các chi phí xét nghiệm Covid-19 cho công nhân cũng được doanh nghiệp chi trả toàn bộ. 

Hết thời hạn giảm mức đóng bảo hiểm, doanh nghiệp nói gì? - 2

Nhiều doanh nghiệp dành kinh phí chăm lo sức khỏe cho người lao động sau dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Jia Hsin cho biết, việc tiếp tục đóng 0,5% quỹ tiền lương vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN không làm thay đổi nhiều đến quỹ tiền lương của doanh nghiệp. Trước khi có chính sách hỗ trợ giảm mức đóng về 0%, công ty vẫn thực hiện đầy đủ việc đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động. 

"Từ trước đến nay, dù phải đóng hay không phải đóng Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN thì quyền lợi của người lao động trong công ty vẫn luôn đảm bảo. Công ty vẫn dành riêng khoản tiền nhất định để lo bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động vì đây là nội dung được pháp luật quy định. Cho nên, về cơ bản mức đóng 0,5% quỹ tiền lương vào Quỹ TNLĐ, BNN vẫn nằm trong dự trù của doanh nghiệp", bà Kim Anh cho hay.

Tương tự, công ty TNHH May mặc Donny (TPHCM) cũng đã chuẩn bị kinh phí cho mức đóng 0,5% quỹ tiền lương vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN được thực hiện từ ngày 1/7/2022. Ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc công ty quả quyết, những gì thuộc vào quy định của pháp luật, công ty luôn chấp hành và tuân thủ đúng.

Giữa năm 2021, công ty được thông báo miễn đóng tiền bảo hiểm TNLĐ, BNN. Đây là thông tin rất đáng mừng cho doanh nghiệp và người lao động lúc bấy giờ bởi công nhân lao động thuộc công ty gần như được tiêm vaccine sớm nhất trên địa bàn TPHCM. Ngoài ra, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chăm sóc sức khỏe cho người lao động cũng được công ty thực hiện chu đáo.

"Dù mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN có tăng trở lại mức 0,5% như trước thì trong doanh nghiệp chúng tôi vẫn không có gì biến đổi lớn. Mọi quyền lợi về bảo hiểm và tiền lương cũng như các chế độ đều dành cho người lao động đều được thực hiện bình thường", ông Quang Anh khẳng định. 

Hết thời hạn giảm mức đóng bảo hiểm, doanh nghiệp nói gì? - 3

Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp tục thực hiện việc đóng 0,5% vào quỹ bảo hiểm không ảnh hưởng đến ngân sách lương.

Đảm bảo quyền lợi của người lao động

Tại Bình Dương, theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, hầu hết các doanh nghiệp đều không có biến động nhiều về quỹ tiền lương khi mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trở lại 0,5%. 

Ông Bùi Quang Liên, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Gia công răng Thời Đại Kỹ Thuật Số (KCN VSIP, Bình Dương) cho rằng, việc Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN 0% (từ ngày 1/7/2021 đến ngày 1/7/2022) là rất cần thiết khi đó. Điều này thể hiện sự chia sẻ khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19 với doanh nghiệp và người lao động.

Khi hết thời gian hỗ trợ, doanh nghiệp trở lại với mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ TNLĐ, BNN là 0,5% là điều bình thường, doanh nghiệp hầu như không gặp khó khăn gì. Bên cạnh đó, các chế độ về bảo hiểm của người lao động vẫn luôn được thực hiện đầy đủ. 

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng nhận định chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong 12 tháng giữa lúc dịch bệnh khó khăn là rất kịp thời.

Trong thời điểm nêu trên, doanh nghiệp và người lao động gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid -19 nên thay vì đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN, người sử dụng lao động dùng số tiền này để phòng, chống dịch bệnh và chăm lo cho sức khỏe công nhân. Bên cạnh đó, quyền lợi về các hỗ trợ của bảo hiểm cho công nhân lao động vẫn không bị ảnh hưởng.

Theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ TNLĐ, BNN như sau: Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ-BNN, nếu đủ điều kiện quy định, có văn bản đề nghị và được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận.

Linh Sơn