1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Héo hon nón làng Chuông

Trí Thành

(Dân trí) - Làng Chuông, ngôi làng cổ có nghề làm nón hơn 300 năm nổi tiếng khắp miền Bắc nhưng hiện nay chỉ có khoảng 20% số hộ còn duy trì công việc, chủ yếu là người già đau đáu giữ nghề truyền thống.

Héo hon nón làng Chuông - 1

Người dân làng Chuông ngồi làm nón ven đường, nói cười rôm rả, gợi nhớ hình ảnh vốn quen thuộc trong ký ức bao thế hệ.

Làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) nằm giữa quốc lộ 21B và dòng sông Đáy, cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 20km. Ngôi làng cổ giờ đã khác xưa rất nhiều khi không còn cảnh người người làm nón, nhà nhà phơi lá như mấy chục năm trước.

Tốc độ đô thị hóa nhanh làm cư dân ngày càng đông đúc, chợ búa sầm uất. Tuy vậy, len lỏi vào trong các con ngõ sâu, vẫn có thể bắt gặp cảnh những người cao tuổi cùng nhau ngồi khâu nón, nói cười rôm rả.

Héo hon nón làng Chuông - 2

Gắn bó với nghề làm nón đã gần 60 năm, nhà ông Hùng là một trong số ít hộ vẫn giữ nghề cha ông dù cuộc sống có nhiều thăng trầm.

Ông Phạm Văn Hùng, bà Hoàng Thị Việt ở thôn Mã Kiều năm nay đều gần 70 tuổi nhưng đã gắn bó với nghề làm nón khoảng 60 năm. Chính nghề làm nón đã giúp ông bà nên duyên vợ chồng.

Ông Hùng kể, ngày xưa, cứ tối đến, con gái làng Chuông lại mang nón ra sân nhà hoặc sân đình để làm. Trai tráng trong làng muốn tán tỉnh cô nào thì phải vào làm cùng, rồi đối đáp văn thơ, thấy hợp ý mới cho làm quen.

"Tôi lấy được bà nhà cũng là từ phong tục đó nên có thể nói rằng, nghề làm nón đã se duyên cho vợ chồng tôi, giúp chúng tôi gắn bó đến tuổi tóc bạc răng long này", ông Hùng giãi bày.

Héo hon nón làng Chuông - 3

Làm nón yêu cầu sự tỉ mẩn và khéo léo.

Bà Việt tuy trong người đang mệt nhưng khi nghe hỏi về chuyện làm nón liền bật dậy, trổ tài đan nón. Bà kể, trước kia cả làng đều làm nón, làm từ nón lá non, nón lá già đến nón quai thao..., thu nhập khá ổn.

"Nhà tôi có 4 người con, nghề làm nón cũng đủ để nuôi các con ăn học, cộng thêm việc cày cấy để có thóc ăn", bà Việt nói.

Mỗi ngày làm "hết công suất", vợ chồng bà Việt đan được 2 chiếc nón, bán ra cao nhất được 150.000 đồng. Nhưng trừ tiền mua lá và không phải ngày nào cũng làm được đều tay, rồi bán lúc được giá, lúc ế ẩm nên thu nhập chỉ đủ tiền mua thức ăn hàng ngày của ông bà 

Héo hon nón làng Chuông - 4

Bà Bình vừa làm vành nón vừa chia sẻ về những thăng trầm của nghề.

Bà Nguyễn Thị Bình, hàng xóm nhà bà Việt, thường sang nhà bà Việt cùng làm nón, chia sẻ: "Làm nón giờ vui là chính chứ ăn thua gì. Tuổi già như chúng tôi làm cho đỡ nhớ nghề, được đồng nào thì được. Ngày xưa, người ta hay đi bộ, đi xe đạp thì đội nón vừa tiện, vừa đẹp. Chứ giờ, toàn xe máy với ô tô, mấy ai còn đội nón lá nữa".

Dù nghề này không còn phát triển như xưa nhưng bà Bình, bà Việt, ông Hùng vẫn luôn tâm niệm cố giữ nghề lâu dài, truyền lại cho con cháu như giữ lại một nét đẹp văn hóa của người Việt.

Héo hon nón làng Chuông - 5

Dù công việc mang lại thu nhập không cao so với nhiều nghề khác nhưng những nghệ nhân làm nón làng Chuông vẫn đau đáu giữ nghề truyền thống.

Hiện nay, muốn mua nón làng Chuông, mọi người có thể vào trực tiếp nhà nghệ nhân làm nón hoặc ra chợ Chuông vào các ngày mùng 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch là những ngày chợ phiên làng Chuông như truyền thống bao đời. Giá của các loại nón khác nhau, thấp nhất từ 50.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng một chiếc và số lượng bán cũng không nhiều. 

Được biết, ở làng Chuông hiện chỉ có khoảng 20% hộ dân còn làm nón, chủ yếu là người già. Theo ông Phạm Ngọc Bảo - Phó chủ tịch UBND xã Phương Trung, dù số hộ làm nón ở địa phương không còn nhiều và thu nhập từ nghề thấp hơn nhiều so với các nghề khác nhưng chính quyền xã vẫn thường xuyên tuyên truyền, động viên và tạo điều kiện để bà con giữ nghề truyền thống. 

Nghề làm nón ở làng Chuông tuy đang dần phai nhạt nhưng khi nhắc đến những vần thơ: "Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông", hay "Nón này che nắng che mưa/Nón này để đội cho vừa đôi ta" thì người làng Chuông từ già đến trẻ đều rạo rực và tự hào về làng nghề từng là sinh kế chủ lực của làng.

Héo hon nón làng Chuông - 6

Phơi cọ tươi dọc đường làng Chuông.

Héo hon nón làng Chuông - 7

Máy quay lá cọ để làm nón.

Héo hon nón làng Chuông - 8

Ông Hùng và những người cao tuổi trong làng Chuông vẫn duy trì việc làm nón vì nỗi đau đáu giữ nghề truyền thống.