1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hậu trường nghề “hữu thanh vô ảnh”

Biết đến qua giọng nói, chẳng mấy khi lộ diện trước khán giả, diễn viên lồng tiếng vẫn miệt mài gắn bó với công việc. Những chuyện nghề về sự cố, kỉ niệm buồn vui với công việc đã được họ chia sẻ.

Thế Thanh là diễn viên lồng tiếng trong các phim của hãng TVB
Thế Thanh là diễn viên lồng tiếng trong các phim của hãng TVB

Không diễn hình chỉ diễn giọng

Đến bây giờ, Thế Thanh - một người làm nghề ngót nghét 20 năm, chuyên lồng tiếng cho Âu Dương Chấn Hoa, Huỳnh Nhật Hoa, cũng không nhớ hết những bộ phim của TVB mà ông từng lồng tiếng.

Ông kể, nhiều thập niên trước, công việc lồng tiếng không hiện đại như bây giờ. Chỉ có 1 phòng thu, khoảng 7-9 người ngồi chung. Các diễn viên lồng tiếng ngồi dàn thành một hàng. Trước mặt là màn hình chiếu phim, trên tay là lời thoại nhân vật, đến vai của ai người đó sẽ theo kịch bản để thoại cho khớp với khẩu hình của diễn viên trên phim. Tuy mất thời gian, nhưng được ngồi cùng, gắn kết với nhau, gặp sự cố thì giúp nhau. Giờ đây, việc lồng tiếng hiện đại hơn, mỗi người thu riêng.

Diễn viên lồng tiếng Thế Thanh chia sẻ, với phim Việt Nam mỗi người lồng 1 nhân vật. Tuy nhiên, với những bộ phim nước ngoài, một người có thể đảm nhận từ 3-5 vai, từ trẻ con đến người lớn. Quan trọng nhất của nghề lồng tiếng đòi hỏi phải nhập vai. Mình không diễn hình nhưng diễn giọng. Điều đó đòi hỏi mình phải đặt nhiều cảm xúc vào giọng nói để có thể khóc, cười cùng nhân vật.

“Diễn viên lồng tiếng mà chỉ biết nói cho khớp với diễn viên trên phim thì không thể sinh động được. Mình còn phải bắt nhịp với những cử chỉ, hơi thở của nhân vật nữa. Nhân vật thở nhẹ mình cũng phải thở nhẹ. Nhân vật bị đánh vào bụng tiếng la sẽ khác với khi bị đánh vào tay, chân, mặt. Cười đau khổ cũng sẽ khác với cười sung sướng”, ông Thanh cho biết.

Ông Thanh kể thêm, trung bình mỗi ngày, họ lồng được khoảng 4-5 tập phim. Cũng vì gặp nhau mỗi ngày mà biết bao chuyện vui, buồn đã diễn ra trong cái phòng thu nhỏ bé này. “Đó là những lần bị líu lưỡi hay vô tình nói lắp. Hay có khi hai diễn viên đang giận nhau, gây gổ nhau ầm ầm nhưng khi ngồi xuống trước máy thu, người này đóng vai chồng, người kia vào vai vợ ngọt ngào, vui vẻ như không có gì xảy ra. Tới khi buông ra... gây gổ tiếp”, ông cười nhẹ nhàng khi kể lại.

Khi được hỏi cát-sê dành cho diễn viên lồng tiếng, ông Thanh khéo léo cho biết: “Cuộc sống diễn viên lồng tiếng không phải giàu có như ca sĩ, diễn viên nhưng tiền công nhìn chung cũng xứng đáng với mồ hôi, nước mắt anh em bỏ ra”.

Nghệ sĩ lồng tiếng gạo cội cũng cho biết, đây là nghề phải yêu mến, đam mê mới theo được. Nhưng đôi khi cũng chạnh lòng vì khán giả chỉ nhớ giọng mà không biết đến mình.

Lồng tiếng phim Việt thật khó

Khác với diễn viên lồng tiếng gạo cội Thế Thanh, Võ Quang Thanh (SN 1989, Bình Dương) hiện đang theo đuổi nghề lồng tiếng phim. 6 năm trong nghề, Quang Thanh trở thành gương mặt lồng tiếng xuất sắc cho rất nhiều bộ phim trong và ngoài nước. Trong bộ phim Cô dâu 8 tuổi, Quang Thanh đảm nhận vai chính Jagdish. Cùng các vai: Chú Makhan, bố chồng của chị Sugna, bố đẻ Anandi và ông nội Shiv.

Theo Quang Thanh, nhiều người nghĩ nghề lồng tiếng dễ kiếm tiền, chỉ cần cầm kịch bản vào phòng thu đọc. Tuy nhiên, người lồng tiếng phải giữ giọng ngang với ca sĩ. Không uống rượu bia, nước đá, hút thuốc lá và không thức khuya. Ngoài ra, mỗi tối trước khi đi ngủ súc miệng bằng nước ấm pha muối cũng là một cách rất hiệu quả để giữ gìn chất giọng. Cùng đó, thường xuyên rèn luyện sức khỏe mỗi ngày để có được tinh thần sảng khoái, sẵn sàng hóa thân vào những vai diễn mới.

“Trong khi lồng tiếng lúc nào cũng gặp sự cố. Thời tiết thay đổi làm hư giọng và phim vừa quay vừa phát sóng sẽ ảnh hưởng tới công việc. Bên bộ phận kịch bản không khớp với khẩu hình của diễn viên làm cho diễn viên lồng tiếng bị rối. Nhiều phân đoạn diễn sâu mình không thể hiện được.

Hay như, diễn viên lồng tiếng không thể bám sát kịch bản. Kịch bản chỉ là cái sườn, nội dung, mình phải thêm thoại cho câu nói của nhân vật trơn tru. Vì vậy, trong quá trình làm phim, người lồng tiếng có thể tự hóa thân thành một đạo diễn, tự biên tập lời thoại cho nhân vật. Người ngoài nhìn vào tưởng dễ, nhưng khi bước vào nghề mới thấy cái khó”, Quang Thanh chia sẻ.

Để diễn xuất nhiều vai toát lên tính cách của từng nhân vật, theo Quang Thanh, trước tiên người diễn viên lồng tiếng phải biết biến đổi nhiều giọng. Bên cạnh đó, diễn viên lồng tiếng cũng phải nhìn xem gương mặt diễn viên đó như thế nào. Đó là thiện - ác, sang - giàu, lanh lợi - khờ khạo để có chất giọng phù hợp.

Quang Thanh bật mí, lồng tiếng các bộ phim Việt Nam khó hơn lồng tiếng phim nước ngoài. Vì phim Việt Nam yêu cầu phải khớp khẩu hình nhật vật, nếu không sẽ lộ ra ngay. Bên cạnh đó, việc lồng tiếng các bộ phim ở các nước châu Á như: Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Singapore, người Việt Nam lồng tiếng giọng rất hợp, khẩu hình khớp với nhân vật. Nhưng khi lồng tiếng cho những bộ phim phương Tây thì không hợp vì giọng của mình không thể nào khớp mặt của người phương Tây.

Kể về việc lồng tiếng trong bộ phim Cô dâu 8 tuổi, Quang Thanh có nhiều kỉ niệm. “Có tập, một mình Thanh thoại từ đầu đến cuối. Đó là lúc Jagdish đối diện với 4 người là chú Makhan, bố chồng của chị Sugna, bố đẻ Anandi và ông nội Shiv. Khi lồng tiếng cho phân đoạn này, Thanh đã phải vất vả vì phải chuyển đổi cách diễn làm sao để phân biệt được tính cách từng nhân vật nhưng vẫn phải đảm bảo không biến đổi mất giọng của Jagdish”.

Quang Thanh thật thà tiết lộ: “Từ phần 1 đến phần 6 tôi rất thích nhưng từ phần 7 đến phần 12 tình tiết lặp đi lặp lại, rất nhàm nên cảm thấy chán.Từ phần 7 trở đi với những người xem bình thường thì ổn, nhưng với những người có kinh nghiệm lồng tiếng, các cô, chú đi trước họ sẽ phát hiện ra, giọng của tôi không có hồn nữa”.

Theo chàng trai 8X, chính vì diễn viên lồng tiếng là người đứng phía sau, nên cần phải tạo được thương hiệu thành công. Qua các bộ phim làm sao để khán giả nhận ra được chất giọng đó là của chú Thế Thanh hay của cô Bích Ngọc, đó là niềm vui của người lồng tiếng.

Theo Phạm Lý/Báo Giao thông