1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

An Giang:

Hậu Covid-19, cả ngàn lao động đến dự phiên giao dịch việc làm

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Tại phiên giao dịch việc làm huyện Tri Tôn (Anh Giang) ngày 29/11 có hơn 1.500 lao động đến tham gia tìm kiếm việc làm. Qua đó, có hơn 354 lao động đăng ký xin việc.

Ngày 29/11, UBND huyện Tri Tôn đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm năm 2020. Phiên giao dịch diễn ra tại tại Nhà thiếu nhi Tri Tôn, thu hút gần 1.500 lao động tham gia tư vấn, tìm kiếm cơ hội việc làm.

Chương trình thu hút 17 doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng trong và ngoài tỉnh tham gia giới thiệu, tuyển dụng việc làm, tư vấn cho người lao động. Qua đó, 354 đơn đăng ký xin việc đã được gửi tới các nhà tuyển dụng.

Hậu Covid-19, cả ngàn lao động đến dự phiên giao dịch việc làm - 1

Ông Phạm Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH An Giang (thứ hai bên phải) đánh giá cao về công tác tổ chức phiên giao dịch việc làm của huyện Tri Tôn

Tại Phiên giao dịch việc làm này, ngành nghề tuyển dụng rất phong phú, đa dạng, tập trung vào các lĩnh vực: Viễn thông, bán hàng, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, xuất khẩu lao động, kỹ sư, công nhân có tay nghề…

Hậu Covid-19, cả ngàn lao động đến dự phiên giao dịch việc làm - 2

Phiên giao dịch việc làm đã thu hút trên 1.500 lao động đến tìm hiểu, tư vấn việc làm

Ông Cao Quang Liêm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn - cho biết: Việc tổ chức phiên giao dịch việc làm nhằm phát triển đa dạng thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động một cách hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là sinh viên ra trường chưa có việc làm.

Ông Phạm Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH An Giang - chia sẻ:  "Công tác tổ chức phiên giao dịch việc làm của huyện Tri Tôn chu đáo, chuyên nghiệp. Thành công nhất của phiên giao dịch đã thu hút trên 1.500 lao động đến tìm hiểu, nghe tư vấn về việc làm".

Hậu Covid-19, cả ngàn lao động đến dự phiên giao dịch việc làm - 3

Tị phiên giao dịch việc làm sáng nay đã có 354 người đăng ký tìm việc

Đây là tín hiệu vui của công tác kết nối tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa như huyện Tri Tôn.

Qua đây, ông Sơn mong rằng lãnh đạo huyện Tri Tôn tiếp tục duy trì thường xuyên tổ chức những phiên giao dịch việc làm giúp người lao động tìm việc làm thu hút các DN đến huyện Tri Tôn tìm hiểu, hợp tác đầu tư. Từ đó, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là bà con đồng bào Khmer.

Hậu Covid-19, cả ngàn lao động đến dự phiên giao dịch việc làm - 4

Hiện nay, có khoảng 10.000 lao động của huyện Tri Tôn phải rời xa quê đến các địa phương khác lao động. Đây cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo huyện trong thời gian tới trong công tác tạo việc làm cho người dân địa phương

Theo lãnh đạo UBND huyện Tri Tôn, qua công tác thống kê, hiện có trên 19.000 người dân huyện rời địa phương đến các khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Bình Dương lao động, sinh sống. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động là trên 10.000 người.

Trước thực tế này, huyện Tri Tôn - một huyện miền núi và biên giới của tỉnh An Giang đang nỗ lực mời gọi các DN đến địa bàn huyện Tri Tôn đầu tư xây dựng để người dân có việc làm, không phải bỏ xứ mưu sinh như thực trạng hiện nay.