1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hấp dẫn thị trường thuyền viên, lương cao

Trong lúc thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) nói chung vẫn đang gặp khó thì đã “hé” ra một thị trường mới với việc nhiều Cty XKLĐ ồ ạt tuyển thuyền viên đi làm việc trên tàu đánh cá Hàn Quốc và Đài Loan, mức lương được đưa ra hấp dẫn, phí thấp.

Hấp dẫn thị trường thuyền viên, lương cao
 Một nhóm lao động của Cty TTLC chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc trên tàu đánh cá. Ảnh: Bá Anh

Lương cao nhất 1.500 USD/tháng

Thay vì đăng ký đi làm việc trên bờ (do chi phí cao), nhiều lao động các tỉnh ven biển miền Trung đang đua nhau đăng ký đi làm thuyền viên trên tàu đánh cá Đài Loan và Hàn Quốc. Lý do đăng ký đi làm thuyền viên vì lương cao, phí thấp và thủ tục xuất cảnh dễ dàng.

Khảo sát của PV Tiền Phong (thông qua bảng lương người nhà thuyền viên nhận tại các Cty XKLĐ), thuyền viên mới đi lần đầu có thu nhập trung bình 450 USD/tháng. Tùy từng loại tàu đánh cá lớn nhỏ, nhóm thu nhập trung bình (chiếm tỷ lệ cao nhất) thường từ 600-800 USD/tháng. Đặc biệt, thuyền viên có mức thu nhập cao nhất từ 1.000-1.500 USD/tháng.

Hiện, thuyền viên có mức lương cao nhất (do Cty Inmasco đưa đi làm việc trên tàu cá Hàn Quốc) là anh Trần Hữu Huy, sinh năm 1973, quê ở Xuân Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Anh Huy có thu nhập 1.500 USD do đã có thâm niên đánh cá trên tàu nhiều năm liền. “Nhờ có thâm niên và kinh nghiệm, chủ tàu Hàn Quốc còn cho phép tôi được bảo lãnh cho ít nhất hai người thân lên tàu làm việc”, anh Huy cho biết.

Thuyền viên Nguyễn Văn Toàn (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết, thu nhập khi làm thuyền viên trên tàu đánh cá Đài Loan vào khoảng 1.200 USD/tháng.

“Sở dĩ tôi có mức thu nhập cao vì có kinh nghiệm đi biển lâu năm”, anh Toàn nói.

Cùng nhận mức lương 1.200 USD/tháng, thuyền viên Trần Văn Thưởng (Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, khi đăng ký đi làm thuyền viên trên tàu đánh cá Đài Loan, Cty môi giới Việt Nam không hề thu phí xuất cảnh.

“Lý do là tôi đã có kinh nghiệm đi biển, biết mọi ngóc ngách trên tàu cá Đài Loan nên dễ được chủ tàu ưa thích. Ngoài ra, còn thạo nghề cá, máy móc hư hỏng ở đâu đều có thể sửa”, anh Thưởng nói.

Còn theo thuyền viên Nguyễn Minh Anh (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh), anh có thu nhập 900 USD/tháng.

Dễ đi, phí thấp

Ngày 17/10, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Phong, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần XKLĐ Thương mại và Du lịch (TTLC) cho biết, từ đầu năm đến nay, Cty TTLC đã được khoảng 500 lao động đi làm thuyền viên trên tàu đánh cá Đài Loan và Hàn Quốc.

Theo ông Phong, tùy theo loại tàu đánh cá, người lao động chỉ mất phí khoảng 5-10 triệu đồng.

“Đi làm thuyền viên thủ tục đơn giản, phí thấp. Hợp đồng làm việc 2 năm. Khi hết hạn có thể đi lại không mất phí”, ông Phong nói. Theo ông Phong, TTLC tuyển thuyền viên từ năm 1998, đến nay đã đưa được khoảng 5.000 người sang Đài Loan, Hàn Quốc.

Bà Nguyễn Phương Liên, Phó giám đốc Cty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ - Chi nhánh Tổng Cty Công trình Giao thông 1 (Inmasco) cho biết, từ đầu năm đến nay, Inmasco đưa được 140 lao động sang Hàn Quốc và 225 lao động sang Đài Loan.

Theo bà Liên, với thị trường Hàn Quốc, người lao động chỉ phải ký quỹ 1.000 USD và nộp 5 triệu đồng tiền phí dịch vụ. “Mức thu nhập hiện nay của người lao động do Cty Inmasco đưa đi dao động từ 450 đến 1.500 USD/tháng”, bà Liên cho biết.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm XKLĐ (thuộc Cty Servico Hà Nội) cho biết, đơn vị ông chủ yếu tuyển lao động đi làm thuyền viên Đài Loan. Từ đầu năm đến nay, đã đưa được khoảng 300 lao động sang Đài Loan. Theo ông Tường, để khuyến khích lao động tham gia, với các thuyền viên có kinh nghiệm, khi đăng ký sẽ không mất phí.

Theo ông Tường, lao động đăng ký tham gia đi thuyền viên trên tàu đánh cá Đài Loan chủ yếu là thanh niên nghèo thuộc các tỉnh ven biển miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). “Theo bảng lương Cty đang thanh toán, thu nhập trung bình của các thuyền viên từ 450-1.200 USD/tháng”, ông Tường cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện có khoảng 60 doanh nghiệp XKLĐ được phép đưa thuyền viên sang Đài Loan. Riêng thị trường Hàn Quốc có 6 doanh nghiệp. Theo ông Nam, thuyền viên làm việc trên tàu đánh cá xa bờ có thu nhập thấp hơn so với thuyền viên làm việc trên tàu đánh cá gần bờ.

Các thuyền viên mất tích tại Nhật Bản chưa liên lạc về nhà. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Phong, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần XKLĐ Thương mại và Du lịch (TTLC) cho biết, đến ngày 17/10, các thuyền viên mất tích tại Nhật Bản vẫn chưa liên lạc về nhà.

“Trong số 6 thuyền viên nhảy xuống biển, Cảnh sát biển Nhật Bản tìm được một thi thể, nhưng vẫn chưa xác định đó có phải là thuyền viên Việt Nam hay không”, ông Phong nói.

Trước đó, khi tàu vào eo biển Tsuruga (Nhật Bản) để tránh bão Vongfong, khoảng 20 giờ 50 phút ngày 11/10, 6/7 thuyền viên Việt Nam đã nhảy khỏi tàu Liên Toàn Thịnh (Đài Loan). Ngay khi phát hiện có thuyền viên nhảy xuống biển, thuyền trưởng đã lập tức tri hô và thông báo với Cảnh sát biển Nhật Bản.

Theo phán đoán ban đầu, các thuyền viên nhảy xuống biển nhằm để bỏ trốn vào bờ. “Tại điểm tàu thả neo tránh bão, cách đất liền khoảng 18km. Để bơi được vào bờ, chỉ có cách dùng phao và dựa vào sóng biển để bơi vào bờ”, ông Phong nói.

Đại diện lãnh đạo Cty TTLC cũng cho biết, 6 thuyền viên hiện đang mất tích đều quê ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Gồm: Nguyễn Tiến Tĩnh, SN 1991; Phạm Lương Khánh SN 1994; Trần Đình Diệm SN 1995; Thiều Sinh Song SN 1996; Nguyễn Văn Tứ SN 1991; Nguyễn Văn Quốc SN 1995.
Bảo Anh



Theo Báo Tiền Phong