1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hành vi của chủ quán phở khiến nam công nhân phẫn nộ

Vì sợ mở nắp cống mùi hôi thối sẽ bay vào quán phở của gia đình, không ai dám vào ăn, người đàn ông hung hãn đe dọa các công nhân thoát nước. Anh ta khẳng định, muốn mở cống thì phải "bước qua xác họ"...

7 giờ sáng, chúng tôi tìm đến cống ngầm trong khu vực hồ Thành Công, Đống Đa, Hà Nội. Mặc dù trời khá lạnh nhưng những công nhân thoát nước vẫn thay phiên nhau chui xuống dưới lòng cống.

Người công nhân ở dưới, nước ngập ngang cổ, liên tục vét những xô bùn đen kịt chuyển lên cho các đồng nghiệp ở phía trên. Mùi nước cống quyện với mùi rác thải bốc lên khiến nhiều người xung quanh nhăn mặt.

Anh Phạm Danh Khoa, Tổ trưởng tổ cống ngầm, Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Ảnh: Nhật Linh).
Anh Phạm Danh Khoa, Tổ trưởng tổ cống ngầm, Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Ảnh: Nhật Linh).

Anh Phạm Danh Khoa (SN 1967, Tổ trưởng tổ cống ngầm, Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết: “Nghề của chúng tôi là nghề "ăn cơm dương gian làm việc âm phủ", cả ngày lặn ngụp ở dưới lòng cống. Trời bên trên có nắng chói chang thì ở dưới lúc nào cũng bao phủ một màu đen, nhớp nháp. Có đoạn cống dài đến mấy chục mét, công nhân vẫn buộc phải chui sâu vào đó nạo vét”.

Một công nhân đnag chui xuống lòng cống đen kịt, thực hiện công việc nạo vét cống (Ảnh: Nhật Linh)
Một công nhân đnag chui xuống lòng cống đen kịt, thực hiện công việc nạo vét cống (Ảnh: Nhật Linh)

Nam công nhân sinh năm 1967 tâm sự, anh vào nghề đã được 29 năm. Theo anh, công việc này khá vất vả, làm trong môi trường độc hại nhưng không ít lần anh phải chạnh lòng đến rơi nước mắt vì những lời lẽ cay nghiệt của người xung quanh.

“Ngày mới vào nghề, có lúc tôi từng thấy tổn thương khi bị người ta gọi là “đồ móc cống”, anh Khoa trải lòng.

Vẫn theo lời anh Khoa, công việc của các anh thường xuyên xảy ra va chạm với người dân. Không ít lần các anh chuẩn bị mở nắp cống, gặp phải tuyến đường có nhiều hộ kinh doanh đã bị họ gây khó dễ, bất hợp tác.

Người công nhân đầm mình trong làn nước cống đen ngòm, hôi hám, có chỗ nước ngập ngang cổ (Ảnh: Nhật Linh).
Người công nhân đầm mình trong làn nước cống đen ngòm, hôi hám, có chỗ nước ngập ngang cổ (Ảnh: Nhật Linh).

“Một lần, tôi và anh em trong đội thoát nước thủ công chuẩn bị mở nắp cống thì bất ngờ một người đàn ông xăm mình, đầu cạo trọc đến chửi bới, lăng mạ. Anh ta cấm chúng tôi bật nắp lên. Theo đó, khi chúng tôi mở nắp mùi hôi thối sẽ bay vào quán phở của gia đình anh ta. Người đàn ông này tuyên bố, muốn mở thì phải bước qua xác họ”, anh Khoa bức xúc kể.

Anh Khoa cho biết thêm, đội công nhân không muốn xảy ra va chạm nên đợi đến đêm mới tiến hành làm. Thế nhưng đến đêm, người này vẫn nhất quyết không cho mở nắp vì lý do mùi cống bay vào nhà làm gia đình anh ta không ngủ được.

Trước thái độ của họ, anh Khoa buộc phải báo cáo cấp trên, sau đó nhờ sự can thiệp của chính quyền, hộ kinh doanh phở này mới chịu cho tổ thoát nước làm việc.

Chứng kiến thái độ hung hãn của người đàn ông đó, anh Khoa thấy vô cùng phẫn nộ. Tuy nhiên nhiều năm trong nghề, anh rút ra kinh nghiệm, phải thật bình tĩnh, dùng lời lẽ nhẹ nhàng phân tích để người dân hợp tác với mình, tránh mang đến phiền phức không đáng có.

“Đã có trường hợp công nhân thoát nước bị tát tím mặt chỉ vì việc mở nắp cống”, anh kể. Lần đó, tổ anh Khoa làm việc trong một ngõ nhỏ, nơi đây có căn nhà 3 tầng mới xây của vị bác sĩ. Đây là công trình xây dựng vi phạm vì bậc tam cấp nằm đè lên nắp cống. Khi công nhân mở nắp cống chui xuống, buộc phải đục một phần bậc thềm của gia đình người bác sĩ này.

“Bà vợ bác sĩ thấy nhà bị đục rất tức giận, chạy ra chửi rủa anh em chúng tôi là "lũ móc cống vô học". Anh công nhân trẻ bênh vực tôi và nói vài câu để bà ta thông cảm. Tuy nhiên thay vì hợp tác thì bà ta bất ngờ quay ra tát anh này tím mặt”.

“Chưa hết người phụ nữ này còn gọi con cháu đến, gây gổ đe dọa đánh anh công nhân trẻ tuổi. Chúng tôi phải mời đại diện xí nghiệp và chồng bà ta đến nói chuyện, phân tích bà ta mới chịu nhận sai và cho tổ tiếp tục làm”.

Nam công nhân sinh năm 1967 tháo đôi gang tay bảo hộ, nhấp ngụm trà chát rồi trầm ngâm: “Chúng tôi làm công việc này cũng xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuy nhiên đã làm thì cảm thấy gắn bó và yêu nghề".

Theo anh Khoa, trên địa bàn tổ anh làm nạo vét, khơi thông cống, có một vài nắp cống nằm trong khu vực chợ dân sinh. Nơi đây một số tiểu thương thiếu ý thức thường vứt rác xung quanh miệng cống.

Anh Khoa bức xúc nói: “Khi chúng tôi nhắc nhở, góp ý để tránh việc vứt rác xuống lòng cống thì họ xưng hô bất lịch sự. Có bác lớn tuổi còn nói việc đó là của chúng tôi, không dọn thì có công nhân môi trường dọn”.

Tuy nhiên anh Khoa thừa nhận, 29 năm trong nghề, anh cũng từng gặp được nhiều người dân tốt bụng. “Họ thấy chúng tôi làm việc vất vả, trời nắng nóng còn pha nước chanh, trà đường mang ra mời anh em uống”.

Anh chia sẻ tiếp: “Tôi nhớ trận rét lịch sử năm 2007, ngồi trong nhà còn thấy giá rét. Nhưng 10 giờ tối chúng tôi vẫn phải chui xuống lòng cống sâu 4 mét làm việc. Cái lạnh ngoài trời cộng với cái lạnh của nước ngấm vào người buốt thấu xương.

Anh em phải thay phiên nhau mỗi người xuống cống 20 phút, tay chân có lúc không co được, mặt ai cũng tái đi vì lạnh. Thấy người ta ở nhà ấm cúng, chăn ấm, đệm êm bên gia đình, chúng tôi thấy chạnh lòng lắm nhưng vì công việc nên ai cũng cố gắng.

Khi làm xong, đồng hồ điểm 12 giờ đêm, anh em trong tổ ai cũng quần áo lấm lem, tay chân đầy bùn đất ngồi bên đống lửa nhỏ để sưởi ấm thì bất ngờ một cụ ông khoảng 70 tuổi từ căn nhà gần đó chạy ra bảo chúng tôi vào nhà ông tắm, ông đã đun sẵn nồi nước lớn rồi.

Chưa hết, ông cụ còn nấu sẵn nồi cháo trắng, mời anh em ăn cho ấm người. Nhà ông cụ nghèo, chẳng có vật dụng gì quý giá nhưng tấm lòng của cụ ông khiến chúng tôi cảm động vô cùng. Nhờ đó mà chúng tôi có thêm động lực làm việc.

Một năm sau, cụ ông qua đời vì đột quỵ. Nghe tin, cả tổ tôi ai nấy đều lặng đi, cảm giác như mất mát điều gì đó rất lớn… ”, giọng buồn bã anh Khoa nhớ lại.

Theo Vietnamnet.vn