Hành trình tái thiết, từ "người nhà nước" ra làm... dân buôn

Hằng Nguyễn

(Dân trí) - Sau 12 năm làm một giáo viên mầm non có biên chế, chị Phan Thị Hiền Trang, 39 tuổi, sống tại Quảng Nam quyết định nghỉ việc để kinh doanh toàn thời gian.

Bất trắc khi bỏ việc nhà nước

"Tôi cứ nghĩ mãi về những bất trắc khi nghỉ việc. Vì mức lương 7 triệu đồng/tháng nơi tôi sống không phải là thấp, mà kinh doanh thì không phải lúc nào cũng có tiền. Lỡ một ngày cuộc sống của tôi có biến cố, mà trong tay không có công việc ổn định thì sao", chị Hiền Trang nhớ lại những câu hỏi tự đặt ra 5 năm trước, khi đang đứng trước quyết định mang tính bước ngoặt.

Với chị ở thời điểm đó, làm giáo viên tuy lương thấp nhưng ổn định, được nhiều người tôn trọng. Nếu nghỉ ra ngoài bán hàng thì thành cái danh "dân buôn". Điều đó cũng khiến chị trăn trở. 

"Dẫu vậy, cứ mãi làm một công việc lặp đi lặp lại, từ sáng đến tối mịt, rồi áp lực từ những lần thanh tra khiến tôi mất ngủ. Nghĩ cả cảnh khi bố mẹ, con cái đau ốm cũng không được ở nhà, tôi quyết tâm rời đi", chị chia sẻ. 

Nghỉ việc, chị nhập các mặt hàng gia dụng của một thương hiệu về để bán. Vài tháng đầu tiên, công việc suôn sẻ vì tính chị vốn xởi lởi và có sẵn các mối quan hệ. Thu nhập hàng tháng của chị thời điểm đó gấp 3-4 lần so với khi còn làm giáo viên. Nhưng biến cố ập đến ngay trong tháng thứ 5 sau khi chị rời trường.

"Các cấp lãnh đạo của công ty mà tôi đang nhập hàng bị bắt vì tội lừa đảo. Mọi thứ gần như sụp đổ. Tôi đã từng mơ tưởng về một tương lai rất tươi sáng, từng nghĩ đây là một công việc hấp dẫn, không bao giờ phải lo chuyện thu nhập. Tôi mất mấy tháng liền chìm trong bất an và hoang mang", chị kể.

Vốn chỉ có kinh nghiệm bán hàng, không có nhiều hiểu biết về sản phẩm, sau biến cố, chị Trang nhận thấy muốn bán một sản phẩm thì trước hết phải hiểu, có kiến thức về nó. Khi trấn tĩnh lại, chị bắt đầu nghĩ về việc xây dựng một thương hiệu của riêng mình, để chủ động kiểm soát chất lượng thứ hàng hóa mà mình bán. Xác định công việc sẽ nặng nề hơn nhưng chị Trang nghĩ việc đó xứng đáng.

Hành trình tái thiết, từ người nhà nước ra làm... dân buôn - 1

Biến cố sau khi bỏ công việc nhà nước đưa chị Hoa đến với nhiều cơ hội mới (Ảnh: NVCC).

Năm 2022, chị Trang bắt tay vào hành trình xây dựng thương hiệu của riêng mình, chuyên sản xuất các sản phẩm tẩy rửa trong nhà. Chị bắt đầu từ việc tìm hiểu thủ tục thành lập công ty, quyết toán thuế, đến nghiên cứu sản phẩm, thuê đơn vị sản xuất, làm việc với các đối tác để phân phối sản phẩm,…

"Đó là một công việc không hề dễ dàng. Đến bây giờ tôi vẫn phải học thêm hàng ngày để vận hành doanh nghiệp. Nhưng tôi nghĩ nó đã làm thay đổi hoàn toàn con người mình. Từ một người thích an toàn, tôi trở nên mạnh mẽ hơn, dám đương đầu với những bất trắc có thể xảy đến bất kỳ lúc nào", chị chiêm nghiệm.

3 nhóm công chức khởi nghiệp 

Đầu năm 2025, anh Trần Kim Trung, 40 tuổi, cán bộ Quản lý Trật tự đô thị của một huyện thuộc tỉnh Hòa Bình, đối mặt với việc nằm trong diện tinh giản. Với 6 tháng lương được hỗ trợ, anh dự định lấy tiền tích lũy nhiều năm và vay mượn thêm để cùng vợ mở một tiệm cà phê ở thị trấn.  

"Tôi vẫn chưa đến tuổi hưu, tích lũy cũng không có, vẫn phải tìm cách khác để kiếm tiền. Bây giờ nếu không kinh doanh một cái gì đó thì chỉ có lên thành phố làm bảo vệ thôi", anh Trung than thở.

Nhưng kế hoạch mở quán cà phê đến giờ vẫn đang nằm trong dự tính. Bởi anh chưa bao giờ kinh doanh, cũng không hiểu thị trường, nếu đổ hoàn toàn tiền vào đây cũng chưa chắc có lời.

Băn khoăn của anh Trung được minh chứng bởi rất nhiều trường hợp thực tế xung quanh: "Một người em của tôi trước đây nghỉ làm hành chính ở Ủy ban huyện để làm tiếp thị liên kết trên mạng. Được một năm đầu có vẻ ổn, nhưng sau đó tình hình khó khăn hơn, có những tháng không kiếm được đồng nào. Tôi nghĩ kinh doanh khó và rủi ro hơn nhiều so với những gì mình hình dung nên vẫn còn chần chừ".

Hành trình tái thiết, từ người nhà nước ra làm... dân buôn - 2

Nhiều người có thể sẽ phải vỡ mộng khi rời nhà nước ra làm kinh doanh (Ảnh minh họa: HN).

Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn FnB Director và Horeca Bussiness School cho biết đã tiếp nhận và tư vấn với nhiều người rẽ hướng từ khu vực công sang kinh doanh. Qua quan sát cá nhân, ông chia những người này thành ba nhóm điển hình.

Nhóm thứ nhất là các nhà đầu tư tài chính, không trực tiếp tham gia điều hành mà tìm kiếm mô hình vận hành bài bản, có doanh thu tốt và thương hiệu ổn định. Nhóm này thường kỳ vọng lợi nhuận cao nhưng lại thiếu khả năng giám sát hiệu quả đầu tư.

Nhóm thứ hai trực tiếp vận hành doanh nghiệp, thường với quy mô vừa và nhỏ. Những người này có nhiệt huyết và tinh thần dấn thân, nhưng thường thiếu kiến thức về quản trị vận hành, tài chính, marketing và tuyển dụng, dẫn đến việc ra quyết định cảm tính, thiếu kiểm soát dòng tiền.

Nhóm thứ ba chọn mô hình nhượng quyền, kỳ vọng giảm thiểu rủi ro và tận dụng sức mạnh thương hiệu. Tuy nhiên, không ít trường hợp, người nhận nhượng quyền bị ràng buộc bởi các điều khoản khắt khe, hoặc kỳ vọng sai lệch về lợi nhuận so với thực tế.

Tựu trung lại, theo ông Thanh, vấn đề lớn nhất của những người quen làm ở khu vực công ra kinh doanh không phải là thiếu vốn, mà là thiếu hệ sinh thái hỗ trợ, gồm kiến thức, cố vấn và cộng đồng thực chiến.

Hành trình tái thiết, từ người nhà nước ra làm... dân buôn - 3

Khó khăn lớn nhất của những người rời nhà nước ra kinh doanh là thiếu kiến thức, cố vấn và cộng đồng thực chiến

Hành trình tái thiết

Theo chuyên gia, đặc điểm chung là hầu hết cán bộ, công chức nghỉ việc được nhận một khoản hỗ trợ khá lớn. Với hàng trăm nghìn người và số tiền hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng mỗi người thì sẽ có hàng tỷ USD vốn đầu tư đi vào thị trường.

Với người tiếp tục làm thuê, hỗ trợ nâng cao kỹ năng, kết nối việc làm là cần thiết. Tuy nhiên, nhà nước cũng cần có các chương trình giúp những người rời khu vực công về quản lý tài chính cá nhân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy họ khởi nghiệp.

Trước khi có các chính sách hỗ trợ, theo ông Đỗ Duy Thanh, người lao động cần phải hiểu đầu tư khôn ngoan không nằm ở số vốn, mà ở khả năng kiểm soát rủi ro. Ông Thanh liệt kê một số lĩnh vực phổ biến mà các nhà đầu tư lựa chọn và đặt ra một số lưu ý.

Thứ nhất, với ngành ẩm thực, theo ông Thanh, điểm then chốt không nằm ở món ăn ngon, mà ở khả năng kiểm soát nguyên vật liệu, chi phí nhân sự và trải nghiệm khách hàng. "Không ít người mở nhà hàng đẹp nhưng lỗ sau 3 tháng, tiêu tốn hết khoản tiền đầu tư chỉ vì thiếu một hệ thống vận hành đúng", ông cho biết.

Trong thương mại điện tử, khả năng xây dựng thương hiệu và tối ưu quảng cáo là yếu tố sống còn. Đầu tư sai kênh, làm nội dung không định vị, hoặc không kiểm soát logistics sẽ khiến chi phí vượt xa doanh thu.

Với mô hình nhượng quyền, cần đọc kỹ hợp đồng và đánh giá mô hình gốc. Thành công của thương hiệu không đảm bảo thành công của điểm nhượng quyền nếu không có sự phù hợp về địa điểm, nhân sự và thị trường.

Các mô hình như dropshipping (hình thức bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển), hay affiliate (tiếp thị liên kết) tuy hấp dẫn nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn. Sự phụ thuộc vào nền tảng hoặc nhà cung cấp khiến người khởi nghiệp khó kiểm soát chất lượng và trải nghiệm khách hàng.

"Trước khi đầu tư, hãy trả lời hai câu hỏi "Tôi có thể kiểm soát được điều gì?" và "Nếu mọi thứ xấu nhất xảy ra, tôi có phương án dự phòng chưa?". Nếu chưa, đừng đầu tư", ông Thanh đúc kết.

Chiều 25/3 vừa qua, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Việc làm sửa đổi. Đề cập đến hơn 100.000 người bị ảnh hưởng khi sắp xếp tinh gọn bộ máy đầu năm nay, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ bối cảnh cả nước đang tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy với việc sáp nhập tỉnh thành, tiến tới bỏ cấp huyện và giảm cấp xã. Con số cán bộ, công chức, viên chức phải rời công sở tới đây có thể gấp đôi so với mức 100.000 người trước đó.