Hàng vạn người lao động bị mất quyền lợi vì văn bản của BHXH Việt Nam: Cần bãi bỏ văn bản trái luật (Phần cuối)

Theo ý kiến của một số cán bộ CĐ và chuyên gia về pháp luật, thì công văn 4409/BHXH-CSXH của BHXH VN ngày 6.11.2013 đã vi phạm các nguyên tắc của BHXH và Luật BHXH. Văn bản này đã gây phiền phức cho nhiều DN và cả cơ quan BHXH cấp dưới.

Hàng vạn người lao động bị mất quyền lợi vì văn bản của BHXH Việt Nam: Cần bãi bỏ văn bản trái luật (Phần cuối)

Hàng vạn lao động ngành may mặc đang bị ảnh hưởng quyền lợi do công văn 4409/BHXH-CSXH của BHXH VN. Ảnh: Nam Dương

“Họ có chửi thì cũng phải chịu”

Do nhận được nhiều khiếu nại của NLĐ về việc “đóng nhiều, hưởng ít”, và sau khi kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết, từ tháng 11.2013, TCty May Việt Tiến đã phải “bấm bụng” trả thay tiền chênh lệch đóng BHXH cho NLĐ. Thay vì trừ lương của NLĐ theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng để đóng BHXH, TCty chỉ trừ mức 1.050.000 đồng. 100.000 đồng còn lại, TCty phải bỏ tiền ra.

Với 7.000 LĐ, số tiền DN này phải bỏ ra cho 9 tháng qua là hàng chục tỉ đồng và chưa biết đến bao giờ mới dừng lại. Còn những DN không “hào phóng”, vẫn trừ lương của NLĐ dựa trên mức lương 1.150.000 đồng và chuyển chế độ cho NLĐ (do BHXH chi trả) thì liên tục bị phản ứng.

Chưa hết, dù văn bản do bà Đỗ Thị Xuân Phương ký ngày 6.11.2013, nhưng lại “hồi tố” yêu cầu thực hiện từ 1.7.2013, nên nhiều DN đã trả chế độ cho NLĐ lâm cảnh “đi mắc núi, ở lại mắc sông”, do đã chi trả quyền lợi cho NLĐ. Cụ thể như Tổng Cty CP May Nhà Bè (Q.7, TPHCM). Quý III/2013, một số LĐ tại DN này được hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản... số tiền 1,112 tỉ đồng (làm tròn).

Từ nguồn 2% Quỹ BHXH để lại DN, Tổng Cty May Nhà Bè đã chi trả trước cho NLĐ 563,3 triệu đồng. Số còn lại, TCty đề nghị BHXH Q.7 phải trả 548,9 triệu đồng, nhưng bị “giam” lại. Lý do số tiền trên được tính dựa trên mức lương cơ sở 1.150.000 đồng. Do hướng dẫn tại công văn 4409, thì chỉ được tính dựa trên mức lương 1.050.000 đồng. Một cán bộ của TCty May Nhà Bè than thở: “Nếu thực hiện như thế này, hàng loạt các vụ “đòi nợ” sẽ phát sinh: BHXH đòi DN, DN đòi lại từng NLĐ”.

Không chỉ gây khó cho DN, công văn 4409 còn gây khó cho chính cơ quan BHXH cấp dưới. Giám đốc BHXH một quận ở TPHCM bức xúc: “Thu nhiều, chi ít là không được. Chắc chắn sẽ phải tốn thời gian, giấy tờ làm thủ tục để chi trả phần còn thiếu quyền lợi của NLĐ”. Còn một lãnh đạo BHXH một tỉnh miền Đông Nam Bộ thì than thở: “Nhục lắm, cứ như đi lừa NLĐ. Đặt mình vào trường hợp NLĐ thì cũng bức xúc chứ. Giải thích cho NLĐ, ai nghe, thông cảm thì mừng, còn họ có chửi thì mình cũng phải chịu thôi!”

Cần phải bãi bỏ

Lý giải về công văn 4409, một số cán bộ BHXH cho rằng, văn bản mang tính hướng dẫn nội bộ và NLĐ không bị thiệt thòi và chỉ tạm thời chưa được hưởng đủ quyền lợi. Lý do BHXH phải “nắm đằng chuôi”, vì nếu chi bằng thu, sau này DN không đóng BHXH dựa trên mức lương 1.150.000 đồng thì BHXH đã chi lố, không biết đường nào mà đòi.

Tuy nhiên, theo luật gia Trần Phi Đại - Cty luật Thiện Việt (TPHCM) - lý giải trên là không thỏa đáng. Lý do, nếu là văn bản nội bộ, thì BHXH VN chỉ được dựa trên các quy định của Nhà nước để hướng dẫn cấp dưới thực hiện. Trong khi Bộ LĐTBXH chưa hướng dẫn các DN xây dựng thang, bảng lương theo NĐ 43/2013 thì BHXH VN không được tùy tiện thu nhiều, chi ít.

Tại khoản 2, Điều 5, NĐ 66/2013 quy định: “Mức lương cơ sở quy định tại NĐ này (1.150.000 đồng – PV) được tính hưởng kể từ ngày 1.7.2013 và thay thế mức lương tối thiểu chung quy định tại các văn bản về chế độ tiền lương và các chế độ khác có liên quan đến tiền lương của cơ quan có thẩm quyền” và thực tế, các DN đã đóng BHXH cho NLĐ dựa trên mức lương 1.150.000 đồng, vì vậy BHXH phải giải quyết các chế độ cho NLĐ dựa trên mức lương này, chứ không phải mức lương 1.050.000 đồng.

Chủ tịch CĐ Xí nghiệp toa xe Sài Gòn Nguyễn Thành Nhạc bổ sung: “Mức hưởng chế độ BHXH theo “mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của các tháng liền kề” đã được quy định tại các điều 25, 35, 43, 52, 56, 67 của Luật BHXH. Mức hưởng chế độ BHXH theo tỉ lệ “lương tối thiểu chung” (nay đã được thay thế bằng mức lương cơ sở - PV) cũng được quy định tại các điều 26, 37, 42, 43, 65 Luật BHXH. Như vậy, công văn 4409/BHXH-CSXH của BHXH VN đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật BHXH và cần được bãi bỏ”.
Theo Nam Dương - Đăng Hải/Báo Lao Động